Thứ Tư | 29/08/2012 06:06

TS Vũ Đình Ánh: Đầu quý IV lãi suất có cơ hội xuống 8%/năm

Theo đúng diễn biến của lạm phát, đầu quý IV trần lãi suất huy động có dư địa để giảm thêm 1%, TS Vũ Đình Ánh nhận định.
Tại diễn đàn "Đầu tư và Tài chính ngân hàng" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức chiều nay (28/8), trong bài tham luận về lộ trình giảm lãi suất ở Việt Nam, TS Vũ Đình Ánh cho hay, lãi suất và lạm phát có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 đang có xu hướng lặp lại năm 2009. Cụ thể, nếu tính theo cuối kỳ, CPI năm 2009 từ đỉnh cao 28,3% vào tháng 8/2008 đã xuống đáy thấp nhất là 2% vào tháng 8/2009 trước khi phục hồi lên mức 6,52% vào cuối năm.

Trong khi đó, CPI năm 2012 từ đỉnh cao 23% tháng 8/2011 cũng rơi xuống đáy 6,9% vào tháng 6/2012 và tiếp tục đà rơi ít nhất đến cuối quý III/2012.

Nếu tính theo CPI bình quân như thông lệ quốc tế thì đỉnh CPI năm 2008 là hơn 23% vào tháng 11/2008 rồi xuống đáy 6,9% đúng vào tháng 12/2009.

Nguồn: GSO/GAFIN DATA
Do đó, nếu quy luật 2008-2009 lặp lại thì CPI đã lên đỉnh vào tháng 11/2011 và sẽ xuống khoảng 8% vào cuối năm 2012, TS Ánh nhận định.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố biến động khó lường (giá xăng dầu liên tục điều chỉnh từ tháng 7 đến nay) nên thực tế là đến tháng 8, lạm phát đã bắt đầu quay trở lại, sớm hơn dự kiến là vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10.

Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng, theo diễn biến của lạm phát, chỉ còn duy nhất một cơ hội kéo trần lãi suất huy động về 8%/năm từ mức 9%/năm hiện nay, khi đó lãi suất cho vay có khả năng về 13 - 14%/năm.

"Cơ hội này chỉ có thể đến vào đầu quý IV, bởi lạm phát cuối năm thường tăng cao do ảnh hưởng của Tết", ông nói.

Về mối liên quan giữa lãi suất và tín dụng, theo TS Vũ Đình Ánh, một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến cho tín dụng cho vay liên tục tăng trưởng âm và chỉ chuyển sang dương từ tháng 6/2012 là lãi suất cho vay quá cao.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 8-10% của cả năm 2012 thì lãi suất cho vay buộc phải điều chỉnh giảm mạnh, kể cả bằng biện pháp hành chính cũng như sử dụng công cụ thị trường, ông Ánh cho hay.
 
Từ tháng 3/2012, Ngân hàng Nhà nước liên tục 5 lần giảm các lãi suất chủ chốt với tổng mức giảm là 5%, trần lãi suất huy động cũng được giảm từ 14%/năm về 9%/năm. Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các ngân hàng được thỏa thuận lãi suất với các khoản tiền gửi trên 1 năm và yêu cầu các ngân hàng áp lãi suất cho các khoản vay cũ là 15%/năm từ 15/7/2012.

Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng thương mại công bố những gói tín dụng cho vay với lãi suất thấp hơn tới 3-4% so với mặt bằng lãi suất chung (15-18%/năm) đối với một số lĩnh vực khuyến khích cho vay như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
  
Rõ ràng, tín hiệu nới lỏng tín dụng đã phát đi, nới lỏng cả về lãi suất và qui mô tín dụng và lĩnh vực tín dụng cho vay, ông Ánh nhận định.

Kết quả là, tốc độ tăng tín dụng cho vay so với cuối năm 2011 đã tăng từ 0,76% cuối tháng 6/2012 lên 1,02% vào cuối tháng 7/2012 - theo số liệu Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, theo TS Ánh, lộ trình điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như chuyển dịch cơ cấu tín dụng, thực trạng hoạt động của các tổ chức tín dụng, biện pháp xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại thị trường tài chính và doanh nghiệp Nhà nước, nới lỏng đầu tư công và qui mô cũng như cơ cấu nợ công...

Nguồn Khampha


Sự kiện