TS Vũ Đình Ánh: Có cơ sở để đảm bảo tỷ giá ổn định
Thưa ông, tại sao diễn biến thị trường ngoại tệ lại có sóng?
Đầu năm 2013 chúng ta thâm hụt ngân sách thương mại, điều này ngược với đầu năm 2012 chúng ta có thặng dư thương mại. Đây là dấu hiệu đầu tiên.
Lý do thứ 2 đã được ngân hàng nhà nước (NHNN) giải thích, cơ quan chức năng quản lý NHNN có quy định mới đối với các tổ chức tín dụng về trạng thái ngoại tệ. Và bản thân diễn biến tổ chức tín dụng đồng USD cũng có thay đổi.
Lý do thứ 3, đã đến lúc NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá hối đoái chính thức. Tỷ giá này đã tồn tại từ cuối năm 2011, suốt năm 2012 và đến nay vẫn chưa hề có thay đổi. Trong bối cảnh lúc đó, lạm phát khá cao, diễn biến tỷ giá tương quan giữa các đồng tiền nhất là USD so với đồng Euro, nhân dân tệ khá nhiều biến động.
Hiện nay, hoạt động thương mại, hoạt động đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp đã khác xa, chúng ta đa dạng hóa các đồng tiền. Với những lý do đó, khiến cho giá USD tại các NHTM tăng trong biên độ kịch trần 1% thời gian qua. Giờ chúng ta cần phải điều chỉnh lại để sao tỷ giá hối đoái hợp lý hơn, cũng như là việc chúng ta có chính sách tiền tệ hợp lý hơn.
Với diễn biến hiện nay thì tỷ giá có tiếp tục tăng?
Bản thân NHNN cũng đã khẳng định, năm 2013 đồng USD so với VNĐ có thể tăng trong biên độ 2-3% nhưng về cơ bản ổn định. Và diễn biễn tỷ giá phụ thuộc khá lớn vào cán cân vãng lai, cán cân thanh toán. Năm 2013, thay vì dự báo chúng ta thặng dư thương mại 1 tỷ USD như năm 2012, thì năm nay con số thặng dư có thể lên tới 12 tỷ USD. Điều này chắc chắn tác động tới cán cân vãng lai.
Hiện nay, dự trữ ngoại hối của chúng ta cũng tăng mạnh. Đây là thông tin lạc quan để có thể duy trì tỷ giá hối đoái, giữ cho đồng đô la có thể tăng trong biên độ 2-3% so với VNĐ.
Điểm nữa là từ đầu năm 2013 đến nay, có dòng vốn gián tiếp liên quan đến thị trường chứng khoán đổ vào Việt Nam. Theo ước tính, dòng vốn này hiện đang là 243 triệu USD, và có thể tăng lên 500 triệu USD vào cuối năm. Con số này bằng 5 năm trước cộng dồn lại.
Ngoài ra, tương quan USD so với đồng Yên Nhật, Euro cũng khá ổn định. Do vậy, với diễn biến kinh tế năm 2013, tỷ giá hối đoái không là áp lực quá lớn.
Tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn phải lựa chọn tỷ giá hối đoái có lợi nhất không chỉ liên quan đến riêng thương mại, thưa ông?
Đúng vậy, tỷ giá hối đoái còn liên quan đến thu hút đầu tư và nợ nước ngoài của chúng ta nữa.
Nguồn Đại đoàn kết