Thứ Ba | 17/06/2014 17:20

TS. Võ Trí Thành: Phải tính tới tác dụng ngược nếu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng quá nhanh

NHNN với trải nghiệm thực tiễn đã xác định được một “liều lượng thuốc” vừa phải để thực hiện 3 mục tiêu trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
TS.Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương vừa có trao đổi về nội dung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian vừa qua?
TS. Võ Trí Thành: Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong bối cảnh cần thiết lập lại và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi dần tăng trưởng kinh tế, đi kèm với nỗ lực cải cách và hội nhập quốc tế sâu rộng là công việc phức tạp, xét cả dưới góc độ thể chế và nguồn lực thực thi. Chính vì vậy, nó đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm cao không chỉ của riêng ngành Ngân hàng, mà cả sự phối hợp, đồng thuận của nhiều bộ, ngành khác.

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bao hàm rất nhiều chiều cạnh có quan hệ chặt chẽ với nhau; từ công tác truyền thông, minh bạch hóa thông tin, nâng cao năng lực giám sát tài chính (trong phối hợp với các cơ quan khác), nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là quan trị rủi ro, và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, cho tới việc cơ cấu lại các ngân hàng thương mại Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng nước ngoài và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân.

Trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã chủ động và tích cực triển khai Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2015. Tuy vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục với những nỗ lực không ngơi nghỉ, song điều ấn tuợng nhất là trong hơn 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản thực hiện được mục tiêu, có thể nói là quan trọng nhất, đó là ổn định hệ thống. Một số ngân hàng được sáp nhập hoạt động tốt lên, không gây xáo trộn tâm lý thị trường và người dân, qua đó tạo dựng thêm lòng tin vào quyết tâm và khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Phóng viên: Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được triển khai chậm, quan điểm của Ông về vấn đề này ra sao?

TS. Võ Trí Thành: Như tôi đã nêu ở trên, có thể nói, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một “núi” công việc phức tạp vì nó có quan hệ với ổn định kinh tế vĩ mô, với toàn bộ công cuộc tái cấu trúc, và có tác động nhiều chiều đến đời sống kinh tế, xã hội. Có thể thấy điều đó qua thực tiễn trên thể giới, dù là ở các nước đang phát triển hay phát triển.

Một vấn đề nữa là nguồn lực cho công cuộc tái cấu trúc nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Ở một số quốc gia, ngân sách nhà nước được bổ sung, hỗ trợ để triển khai việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, “nguyên tắc” đặt ra cho tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là không sử dụng tiền ngân sách. Do vậy, cách làm cũng phải “rất Việt Nam”, nỗ lực song cũng phải thực hiện dần từng bước. Hơn nữa, cũng phải tính đến kịch bản tác dụng ngược nếu chúng ta làm quá nhanh và quá mạnh (nhất là khi lại thiếu đồng bộ với tái cấu trúc các lĩnh vực khác) thì không loại trừ việc làm bất ổn hệ thống, hoặc chính ngân hàng được tái cấu trúc lại hoạt động không hiệu quả, “rủi ro đạo đức” tăng cao vì được hỗ trợ nhiều. Một ngân hàng yếu kém cần phải tái cấu trúc cũng giống như một cơ thể ốm yếu, cách chữa chạy phải thích hợp cả về liều lượng (dù là thuốc bổ) và tiến độ.

Nói như vậy, không phải để né tránh mà để thực sự có thể làm quyết liệt cùng tính toán bài bản, đầy đủ và qua đó có cách làm thích hợp và cả giải trình tạo sự đồng thuận. Đúng là có những phát sinh phức tạp không như kỳ vọng khi chuyển chính sách sang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô và tái cấu trúc nền kinh tế từ đầu năm 2011. Nhưng nhìn tổng thể, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được triển khai tích cực, khá chủ động và bám khá sát tiến độ theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Và về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước với trải nghiệm thực tiễn đã xác định được một “liều lượng thuốc” vừa phải để thực hiện 3 mục tiêu trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng: lành mạnh hóa hệ thống, đảm bảo hệ thống ổn định hoạt động, và không phải sử dụng tiền ngân sách.

Tôi nghĩ, có hai bài học lớn ở đây. Một là, ngay trong quá trình triển khai, cần có sự tổng kết kịp thời cả về kinh nghiệm và những vướng mắc thể chế, qua đó tìm ra biện pháp tháo gỡ phù hợp. Hai là rất cần sự phối hợp đồng bộ trong triển khai công cuộc tái cấu trúc giữa các cơ quan thực thi, đặc biệt trong tái cấu trúc khu vực DNNN, đầu tư công và hệ thống tài chính-ngân hàng.

Phóng viên: Liên quan đến nợ xấu cũng có ý kiến cho rằng việc xử lý nợ xấu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và chúng ta mới chỉ thực hiện “khoanh vùng” nợ xấu chứ chưa xử lý dứt điểm được. Quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Võ Trí Thành: Muốn hay không thì xử lý nợ xấu cũng là một công đoạn của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tất nhiên, xử lý nhanh nợ xấu có tác động tích cực đối với phục hồi kinh tế và cả công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh rất hạn hẹp về nguồn lực, khung khổ pháp lý chưa thật hoàn thiện, thì việc ra đời Công ty quản lý lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một lựa chọn thích hợp.

Để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, bên cạnh sự phục hồi kinh tế, rất cần nâng cao năng lực cho VAMC (cả về tổ chức,quyền hạn, pháp lý), tạo dựng những tiền đề cần thiết cho việc vận hành thị trường mua bán nợ, và hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp lý đối với thị trường bất động sản. Như vậy, giải quyết nợ xấu là một việc làm không chỉ đặt trên vai Ngân hàng Nhà nước, dù Ngân hàng Nhà nước rất quan trọng, mà còn cả nhiều bộ, ngành liên quan. Ví dụ rõ nhất là quan hệ giữa giải quyết nợ xấu và những vấn đề pháp lý về sở hữu, giao dịch trên thị trường bất động sản. Nó cũng có liên quan không nhỏ đến khả năng phục hồi kinh tế nói chung.

Thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi trách nhiệm của mình cũng đã nỗ lực với nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập, xây dựng cơ chế hoạt động của VAMC. Thách thức, khó khăn còn nhiều; xử lý nợ xấu chắc còn đòi hỏi thời gian và lộ trình thích hợp. Song hy vọng, với những cơ sở để xử lý nợ xấu nêu trên được giải quyết đồng bộ, Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết bài toán nợ xấu hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Phóng viên: Ông có đề xuất gì về tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng trong thời gian tới?
TS. Võ Trí Thành: Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực quan trọng trong công tác tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, rút ra nhiều bài học bổ ích, dù công việc còn đầy thách thức. Vấn đề cốt lõi là Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh, góp phần quan trọng tạo được niềm tin cho thị trưởng, cho người dân. Tất nhiên, niềm tin đối với hệ thống ngân hàng còn là sự quy tụ của nhiều yếu tố khác như việc điều hành chính sách tiền tệ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách quản lý vàng, ngoại tệ phù hợp, đảm bảo tốt trạng thái cán cân thanh toán quốc tế.

Một điểm mấu chốt là ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu cùng tái cấu trúc hệ thống. Bên cạnh đó, trong một thế giới đầy biến động, kể cả những biến động địa – chính trị, rất cần nghiên cứu, theo dõi sát những hệ lụy có thể phát sinh do các cú sốc khác nhau gây ra để có những phương án xử lý, điều chỉnh thích hợp.

Nguồn SBV


Sự kiện