Thứ Ba | 25/12/2012 17:30

TS Võ Trí Thành: Nguy hiểm nhất là lòng tin bị sụt giảm

Năm 2013, chính sách tiền tệ đối mặt nhiều thách thức như rủi ro lạm phát tăng cao, nợ xấu lớn và tăng trưởng kinh tế chưa có dấu hiệu sáng sủa.
Hôm nay (25/12), Học viện Ngân hàng tổ chức hội thảo "Hoạt động ngân hàng Việt Nam - Bức tranh toàn cảnh 2012 và khuyến nghị chính sách 2013".

Về vấn đề nợ xấu, theo TS Nguyễn Đức Trung, Viện Phó Viện nghiên cứu khoa học (Học viện Ngân hàng), nợ xấu tích tụ nhiều năm trước nhưng bộc lộ rõ nét trong năm 2012 đã buộc các ngân hàng phải duy trì thế "phòng thủ" trong hoạt động tín dụng, khiến tăng trưởng tín dụng thấp trong cả năm 2012 (ước tăng 6,45% - theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Với việc thu hẹp tín dụng, hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống (CAR) ở mức 14% so với quy định tối thiểu 9% có thể coi là hệ quả tất yếu, ông Trung nhận xét. Tuy nhiên, so với năm 2011, tỷ lệ đòn bẩy tài chính (tổng tài sản/vốn tự có) vẫn ở mức cao. Do vậy, nhóm nghiên cứu của Học viện Ngân hàng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, căn cứ vào tỷ lệ đòn bẩy tài chính sẽ chính xác hơn hệ số CAR khi đánh giá mức độ đủ vốn của các ngân hàng.

Ngoài ra, đánh giá về tình trạng sở hữu chéo, ông Trung cho rằng việc này khiến tổng giá trị thực của vốn tự có thấp hơn giá trị được thống kê. Như vậy, năm qua, bên cạnh tăng trưởng tín dụng thấp, trích lập dự phòng rủi ro cao cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sụt giảm.

Căn cứ vào dự báo kinh tế thế giới và thực trạng kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra 3 kịch bản tốt - xấu - trung bình để nói về kinh tế vĩ mô năm 2013. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm sau khoảng 4,96-6,01%, lạm phát khoảng 7,2-11,2%, tỷ giá biến động từ 1-4% và tăng trưởng tín dụng khoảng 9-12%.

Nhận xét thêm về tình hình kinh tế vĩ mô, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, năm 2012, giá lương thực thực phẩm giảm nên lạm phát mới được kiềm chế ở 6,81%, còn nếu các yếu tố này cũng tăng như thì lạm phát năm nay phải từ 10 - 11%. Do vậy, rủi ro với lạm phát năm sau là rất lớn vì theo quy luật là giá lương thực thực phẩm năm nay giảm thì năm sau sẽ tăng.

Với GDP, năm nay chỉ tiêu này chỉ tăng 5,03% so với năm ngoái, thấp hơn mục tiêu rất nhiều (6-6,5%). Song, theo TS Nghĩa, năm nay GDP tăng chủ yếu nhờ tổng đầu tư xã hội năm ngoái (chiếm hơn 34% GDP). "Sang năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm xuống còn khoảng 29,5% GDP thì không biết tăng trưởng GDP năm 2013 sẽ là bao nhiêu?", ông Nghĩa nói.

Còn về việc xử lý nợ xấu, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay, hiện có ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 40% thì sẽ khó có đủ nguồn để xử lý do không đủ dự phòng rủi ro, mà cũng không thể điều tiết dự phòng rủi ro từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu được. Bên cạnh đó, việc phát mãi tài sản đảm bảo hiện rất khó khăn khi thủ tục pháp lý về đất đai hiện nay hết sức phức tạp (bất động sản hiện chiếm 50 - 60% tài sản đảm bảo), khi đưa ra tòa án thì một vụ thu hồi nợ cũng mất tới 4 năm.

Liên quan đến vấn đề lãi suất, theo vị chuyên gia này, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang bị vướng trong việc điều chỉnh do có 4-6 ngân hàng yếu kém không thể vay được trên thị trường liên ngân hàng nên phải tăng huy động trên thị trường dân cư, khiến lãi suất chưa thể giảm tự nhiên.

Ông Nghĩa đề xuất, NHNN có thể gom 4-6 ngân hàng yếu kém này lại và quốc hữu hóa để bắt các ngân hàng này tuân thủ quy định, sau đó có thể bán lại khi thị trường ổn định. Đồng thời, cần khảo sát lại việc quản trị rủi ro tại các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại chuyển từ nông thôn lên thành thị.

Theo ông Nghĩa, lãi suất có khả năng giảm tiếp xuống 7%/năm vào quý I/2013, hoặc NHNN có thể bỏ trần lãi suất trong điều kiện chấn chỉnh được thị trường liên ngân hàng, tạo ra lòng tin để các ngân hàng lớn thấy ngân hàng nhỏ cũng có khả năng trả nợ.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, hiện rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô rất cao, nằm ở ngân sách (chưa bao giờ ngân sách khó khăn như năm nay), thứ hai là tình hình của hệ thống ngân hàng, song nguy hiểm nhất là giảm lòng tin, triển vọng khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh thấp.

Vừa qua, hệ thống ngân hàng xử lý thiết kiên quyết khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn, Do vậy, việc điều hành hiện rất khó khăn, khi mà vừa phải bắt tay vào tái cấu trúc để lấy lòng tin của nhà đầu tư và người dân, vừa phải đảm bảo hệ thống không bất ổn. TS Thành cho rằng, ba vấn đề đáng lo là tái cấu trúc có làm được hay không, xử lý đến đâu để vẫn ổn định vĩ mô và có thể nắm bắt được phản ứng của thị trường.

Trong khi đó, Trịnh Quang Anh - Giám đốc nghiên cứu kinh tế - ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) đánh giá, hệ thống ngân hàng hiện mất đi vai trò là trung gian tài chính bởi việc đẩy tín dụng vào nền kinh tế bị thất bại. Còn về mức dự trữ ngoại hối (khoảng 24 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu), ông Trịnh Quang Anh cho rằng, việc dự trữ ngoại hối tuy đạt được bước tiến lớn khi đã lên gần xấp xỉ mức năm 2007, nhưng phải nhìn nhận là thời điểm hiện nay đã khác xa so với trước kia. 24 tỷ USD hiện nay là quá bé, đồng thời lượng ngoại tệ 1 tuần nhập khẩu hiện nay cũng đã khác, ông cho biết.

Trao đổi tại buổi hội thảo, ông Phạm Xuân Hòe - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, điểm nổi bật của chính sách tiền tệ năm 2012 là kiểm soát lạm phát, cán cân thanh toán thặng dư, tỷ giá ổn định, lãi suất được điều hành giảm nhanh về ngang bằng với năm 2007, dự trữ ngoại tệ gia tăng, dư nợ tín dụng hướng mạnh vào lĩnh vực sản xuất.

Song vẫn còn bộc lộ 1 số thách thức như giá hàng hóa thế giới như năng lượng, lương thực biện động khó lường, các giải pháp điều hành thiếu đồng bộ, thiếu căn cơ về lộ trình; yếu tố tâm lý trong lạm phát kỳ vọng vẫn chưa bền vững; việc củng cố thanh khoản của hệ thống vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Do vậy, trong năm 2013 và các năm tới, NHNN có định hướng giảm một liều lượng nhất định về lãi suất tiền gửi VND, ngoại tệ, tiến tới kế hoạch dài hơi cho việc tự do hóa lãi suất vào thời điểm thích hợp. Tập trung xử lý nợ xấu, làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Nguồn Khampha


Sự kiện