TS. Võ Trí Thành: Đây là thời điểm tốt để lập sàn vàng quốc gia
Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng ban hành tháng 4/2012 không nhắc tới vấn đề quản lý kinh doanh vàng tài khoản. Thực tế, việc kinh doanh vàng tài khoản đã rất phổ biến và trước đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho nhiều ngân hàng thương mại thí điểm mở sàn vàng nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, dù chưa được cho phép kinh doanh vàng tài khoản nhưng nhiều doanh nghiệp, tiệm vàng vẫn lén lút mở sàn và lôi kéo nhiều người tham gia.
Công ty Vàng bạc đá quý SJC ước tính người dân Việt Nam đang tích trữ khoảng 500 tấn vàng. Nhu cầu nhập khẩu vàng bình quân khoảng 60 tấn/năm. Rõ ràng, việc lập sàn vàng quốc gia là cần thiết.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đây là thời điểm tốt để mở sàn vàng quốc gia, nhất là khi tỷ giá ổn định.
“Sàn vàng là yếu tố cần thiết gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới. Chúng ta phải làm sao để giám sát được, giảm chi phí cũng như đảm bảo rủi ro về bất ổn vĩ mô, đảm bảo được quyền lợi của người đã cầm vàng và người sản xuất vàng trước khi có sàn vàng quốc gia”, ông Thành nói.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: “Chừng nào sàn vàng quốc gia chưa được thiết lập, chưa có sân chơi chung thì thị trường vàng còn biến động. Mặc dù NHNN đã có nhiều biện pháp, tuy nhiên chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao. Việc mở sàn vàng quốc gia có lẽ là điều kiện tiên quyết để hệ thống hóa giao dịch vàng trong nền kinh tế”.
Về lo ngại sàn vàng có thể gây bất ổn vĩ mô, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB) cho biết có thể hoàn toàn yên tâm. Có sàn vàng sẽ ngăn chặn được tình trạng đầu cơ, hạn chế vàng lậu và thất thoát USD.
Thứ nhất, sàn vàng là mua bán vàng trên sàn, chắc chắn không phải dùng nhiều USD để nhập khẩu. Bởi thế yếu tố tỷ giá được loại bỏ.
Thứ hai, hiện nay không có quốc gia nào người dân mua bán vàng vật chất như hiện nay, điều này càng nguy hiểm khi mấy năm gần đây tình trạng trộm vàng xảy ra nhiều. Do đó, nếu có sàn sẽ giúp thị trường ổn định hơn.
Mặt khác, khi mở sàn vàng, chắc chắn có người chơi, lâu dần tạo thành thói quen và giảm giao dịch vàng vật chất. Bên cạnh đó, sàn vàng còn gián tiếp thu hút đầu tư từ nước ngoài vào.
Phải xây dựng cơ chế cho thị trường vàng
Khi lập sàn vàng, nếu không xây dựng cơ chế cho toàn thị trường thì không thể thực hiện được.
Theo ông Trần Thanh Hải (VGB), các sàn vàng trước đây đóng cửa vì thiếu kinh nghiệm, công cụ kỹ thuật, tỉ lệ ký quỹ chưa hợp lý. Cụ thể, khi muốn mua một lượng vàng, thay vì đóng 100% số tiền, khách hàng chỉ đóng 7%. Nếu giá vàng biến động mạnh trong đêm, khách hàng có thể mất hết. Còn ở Mỹ, lúc giá vàng biến động mạnh, họ yêu cầu tỉ lệ kỹ quỹ cao lên, có khi tăng lên 20%-30% để giảm rủi ro cho khách hàng. Trong một tháng có khi điều chỉnh tỉ lệ ký quỹ hai lần là bình thường.
Bên cạnh đó, vấn đề cơ quan nào quản lý thị trường vàng cũng cần được đặt ra. Hiện nay thị trường vàng được giao cho NHNN nhưng theo thông lệ quốc tế thì ngân hàng trung ương không quản lý vàng. Chẳng hạn tại Mỹ, ngân hàng trung ương chỉ quản lý thị trường ngoại hối. Họ thả nổi tất cả các đồng tiền và can thiệp khi cần thiết bằng cách mua ra bán vào. Thị trường vàng được giao cho Ủy ban Thị trường Hàng hóa quản lý.
“Ở các nước phát triển, vàng không phải là phương tiện thanh toán và không ai đem vàng đi mua nhà cả. Ở Việt Nam, đâu đó vàng vẫn còn chức năng thanh toán, thậm chí còn có thể chia nhỏ ra. Do đó chức năng quản lý vàng của Việt Nam cũng đặc thù hơn so với các nước khác nhưng đến cuối cùng thì vàng tuyệt đối không thể trở thành phương tiện thanh toán mà vẫn là một loại hàng hóa.
NHNN là một vị chỉ huy, một nhà quản lý chính sách tiền tệ. Vàng không thể là tiền tệ mà phải được xem là hàng hóa. Theo tôi, NHNN chỉ nên quản lý vàng đến cuối năm 2020 vì thị trường vàng ba năm tới sẽ biến động dữ dội do ảnh hưởng từ các yếu tố của thế giới. Năm năm sau đó thị trường sẽ ổn định” - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Nguồn Pháp luật TPHCM