Thứ Năm | 28/03/2013 06:47

TS Trần Du Lịch: Việt Nam thụ động trong thu hút FDI

Vị đại biểu này kiến nghị 4 lĩnh vực cần thu hút vốn FDI để tránh đầu tư tràn lan, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tài chính.
Tại Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tổ chức ngày 27/3, đóng góp ý kiến cho hội nghị, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM nhận định, hiện Việt Nam đang thu hút vốn FDI theo hướng thụ động.

TS Trần Du Lịch nhận xét đây là yếu tố gây cản trở, bởi sẽ không có dòng vốn FDI tốt nếu nước chủ nhà không chủ động tìm các nhà đầu tư và dòng vốn đầu tư. Do vậy, vị này kiến nghị thời gian tới Việt Nam cần phải chủ động thu hút vốn FDI, nhưng không nên dàn trải mà phải có sự lựa chọn đối tác. Ông ví việc lựa chọn này là "sự ích kỉ của chủ nhà nhưng là ích kỉ cần thiết".

TS Trần Du Lịch đưa ra 4 lĩnh vực cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ sở hạ tầng và thị trường tài chính. Trong đó, với công nghiệp phụ trợ, ông đề nghị Chính phủ nên xây dựng luật về lĩnh vực này trong năm 2013, tránh để sang năm 2014 mới thực hiện như kế hoạch.

"Cách đây 15 năm, tôi tiếp một nhà đầu tư Nhật Bản sản xuất kinh doanh rượu sake. Vị này than phiền rằng muốn mua nếp của Việt Nam làm rượu sake nhưng không tìm được, phải sang Thái Lan mua, lý do là đi khắp nơi không ai chịu trồng nếp", TS Trần Du Lịch nhận xét về sự thiếu quan tâm đến công nghiệp phụ trợ.

Về lĩnh vực cơ sở hạ tầng, hiện Chính phủ đang chú trọng thu hút theo mô hình hợp tác công - tư (PPP). Song, TS Lịch cho rằng cần phải xây dựng những cam kết luật với mô hình PPP, bởi đây là hình thức gặp nhiều rủi ro pháp lý.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thị trường tài chính, vị đại biểu của TPHCM cho rằng thu hút dòng đầu tư nước ngoài vào thị trường này là "không thể bỏ được". Bởi nếu không có dòng đầu tư nước ngoài thì không thể tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có tái cấu trúc ngân hàng.

Với việc cải cách thủ tục đầu tư, TS Trần Du Lịch kiến nghị trong Nghị quyết về các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, nên chăng phải có những cam kết hỗ trợ thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, từ đó môi trường đầu tư mới có thể được cải thiện.

Liên quan đến quản lý đầu tư nước ngoài, TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, thời gian qua tại khu vực doanh nghiệp FDI rộ lên vấn đề chuyển giá, đình công, ô nhiễm môi trường, hoặc Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới do nhập thiết bị cũ. Sở dĩ có hiện tượng này chủ yếu là do phản ứng chính sách của cơ quan quản lý chậm.

Do vậy, TS Nguyễn Mại đề xuất cần thay đổi phương thức quản lý vốn đầu tư nước ngoài, từ khâu tiếp cận nhà đầu tư, cấp phép, triển khai dự án, thẩm tra, hướng dẫn nhà đầu tư.

Trước những ý kiến này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng thuận lợi hơn, có tính cạnh tranh cao hơn các nước trong khực vực.

Phản ánh việc vừa qua có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mà bản thân phải trực tiếp xử lý cơ chế đầu tư, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Nếu tiếp tục tình trạng Thủ tướng phải ngồi xử lý từng dự án thì sẽ không cạnh tranh được". Do vậy, ông cho rằng hiện tại bắt buộc phải thực hiện cải cách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Mục tiêu của việc nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài là phải tạo ra được làn sóng thu hút vốn FDI mới vào Việt Nam, Thủ tướng phát biểu.

Nguồn Khampha


Sự kiện