Thứ Tư | 10/10/2012 21:08

TS Trần Du Lịch: Kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu đáng lo ngại

Lạm phát giảm do tổng cầu giảm và nhập siêu giảm do giảm nhập nguyên vật liệu đầu vào của nền kinh tế. Đây là những dấu hiệu đình đốn sản xuất.
Theo Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và dự kiến năm 2013 của Chính phủ (sẽ được trình Quốc hội trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4) vừa được Uỷ ban Kinh tế thảo luận sáng nay, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 4,73%, ước cả năm tăng 5,2% nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2011 là 5,89%.

Mặc dù tốc độ tăng GDP đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 và thấp hơn so với kế hoạch đặt ra (6-6,5%), nhưng có xu hướng cải thiện, quý sau tăng cao hơn quý trước (quý I tăng 4%,; quý II tăng 4,66%; quý III tăng 5,35%). Bên cạnh đó, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.

Cũng theo Dự thảo Báo cáo này, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã phát huy hiệu quả. Lãi suất tín dụng giảm dần, cơ cấu tín dụng chuyển biến theo hướng tích cực. Tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, khó khăn trong sản xuất - kinh doanh từng bước được tháo gỡ…

 “Năm nào GDP quý sau chẳng tăng hơn quý trước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng sau chẳng khả quan hơn tháng trước. Nếu cứ đánh giá, nhận định chung chung như thế này thì không tìm được những hạn chế cơ bản, những nguyên nhân cốt yếu khiến nền kinh tế liên tục gặp khó khăn”, ông Trần Du Lịch phát biểu.

Theo vị dân biểu này, ngay cả những điểm sáng trong nền kinh tế năm 2012 như kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu (năm 2012 ước nhập siêu 1 tỷ USD) cũng cần phải làm rõ nguyên nhân.

 “Lạm phát giảm có nguyên nhân chủ yếu là tổng cầu giảm. Cầu tiêu dùng dân cư giảm là do người dân gặp khó khăn nên không tăng chi tiêu; cầu đầu tư giảm là do doanh nghiệp không dám bỏ vốn ra đầu tư. Nhập siêu giảm là do giảm nhập khẩu nguyên vật liệu là đầu vào của nền kinh tế. Đây là dấu hiệu của đình đốn sản xuất. Đây là nỗi lo chứ không phải là sự vui mừng, phấn khởi”, ông Lịch lo ngại.

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nhập siêu giảm mạnh từ mức gần 10 tỷ USD năm 2012 xuống còn 1 tỷ USD là rất nguy hiểm.

“Mới cách đây khoảng 1 tháng, các chuyên gia còn dự báo nhập siêu năm nay vào khoảng 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, bây giờ dự đoán nhập siêu xuống dưới mức 1% kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn”, bà Ngân nhận định.

Phân tích kỹ Dự thảo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và dự kiến năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng, 5/15 mục tiêu không đạt được (tốc độ tăng GDP, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tạo việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ che phủ rừng) rất nguy hiểm vì tác động trực tiếp tới phát triển bền vững trong tương lai.

Với những diễn biến kinh tế khá tiêu cực trong và ngoài nước của năm 2012 và dự báo năm 2013, ông Kiêm lo ngại, năm 2013 nhiều khả năng lạm phát sẽ quay trở lại, tốc độ tăng trưởng GDP khó có thể đột phá sẽ ảnh hưởng tới chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm.

 “Năm tới khả năng lạm phát khó có thể thấp hơn năm nay (ước vào khoảng 8%), tức là vẫn cao gấp 2-3 lần so với thế giới; tốc độ tăng GDP may lắm cũng chỉ có thể đạt 5 - 5,5%”, ông Kiêm dự báo.

Nhận định về việc tốc độ tăng GDP năm nay không đạt kế hoạch, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan rất quan trọng là việc triển khai đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ quá chậm.

Ngoài ra là việc triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh không quyết liệt. Các cơ quan quản lý nhà nước thiếu thông tin để đưa ra các chính sách điều hành phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản - lĩnh vực liên quan đến hơn 80 ngành nghề khác nhau.

Nếu hệ thống ngân hàng được ví như “mạch máu của nền kinh tế” thì ông Vũ Viết Ngoạn lại đánh giá: “Mạch máu của nền kinh tế nước ta máu xấu nhiều hơn máu tốt. Nền kinh tế chỉ phát triển bền vững khi lượng máu tốt áp đảo máu xấu. Vấn đề là để làm được điều này thì cần phải có thời gian, thậm chí mất rất nhiều thời gian xử lý máu xấu (nợ xấu ngân hàng)”.

Với những diễn biến trong hoạt động ngân hàng nói riêng, của cả nền kinh tế nói chung, ông Ngoạn dự báo, nền kinh tế năm 2013 khả quan hơn năm 2012 không đáng kể vì dư địa tài khoá không còn nhiều do ngân sách không còn nguồn lực dồi dào để đầu tư và cũng không dám huy động vốn (phát hành trái phiếu chính phủ) vì ảnh hưởng ngay đến chỉ tiêu giảm bội chi và giảm nợ công.

Theo ông Ngoạn, trong bối cảnh này cần phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 ở mức hợp lý, chủ động kiềm chế lạm phát trên cơ sở đặt ra lạm phát mục tiêu và mọi cơ chế, chính sách phải hướng đến lạm phát mục tiêu.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, không thể coi chỉ tiêu tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước để nhận định “kinh tế vĩ mô ổn định hơn” và là “dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững”.

 “Đây chỉ là những nhận định định tính và năm nào tốc độ tăng GDP quý sau cũng khả quan hơn quý trước. Nếu mổ xẻ, phân tích bằng những chỉ tiêu định lượng thì có thể nhận định, điều hành chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô chưa đạt mục tiêu. Cần phải nhìn thẳng vào thực chất của nền kinh tế mới có thể đưa ra các cơ chế, chính sách khắc phục hạn chế”, ông Phúc nhấn mạnh.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện