TS. Trần Du Lịch: Cần mạnh tay trong sáp nhập, phát mãi tài sản
Trao đổi với ĐTCK, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc sáp nhập, hợp nhất trong lĩnh vực ngân hàng thời gian đầu NHNN còn có phần “chiều chuộng”, nhưng đến nay khi đã nắm chắc tình hình tái cấu trúc, bắt buộc phải mạnh tay để giảm nợ xấu.
Đánh giá của ông như thế nào về tái cấu trúc ngành ngân hàng trong 3 năm vừa qua?
Thời gian qua, việc tái cấu trúc ngành ngân hàng, trong đó có việc sáp nhập ngân hàng, theo tôi, là đã đi đúng hướng, đúng tình hình và bước đầu đã thu được kết quả khả quan, cho dù lúc đầu cũng còn có nhiều ý kiến quan ngại.
Giai đoạn đầu thực hiện tái cấu trúc, một số ngân hàng nhỏ, yếu kém đứng bên bờ vực đổ vỡ, nếu đi không đúng hướng, sẽ dễ dẫn đến đổ vỡ và ảnh hưởng đến cả hệ thống. Vì thế, việc sáp nhập, hợp nhất khi đó còn có phần “chiều chuộng”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, NHNN đã nắm chắc tình hình, nên việc sáp nhập sẽ được đẩy mạnh hơn, hướng đến mục tiêu còn khoảng 20 NHTM. Bên cạnh đó, để giảm nợ xấu về 3% cuối năm nay như kế hoạch đề ra cũng sẽ phải đẩy mạnh sáp nhập các ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh, để có thể kéo giãn tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng an toàn.
Sức khỏe của các ngân hàng sau M&A và tái cấu trúc đã tốt hơn nhiều so với trước?
Nếu so với 3 năm trước, hiện sức khỏe của các ngân hàng sau M&A đã tốt hơn rất nhiều. Tất nhiên, chưa thể kỳ vọng những nhà băng này tăng trưởng mạnh, nhưng ít nhất, ngân hàng sau M&A đã làm sạch được sổ sách, đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Việc bán nợ xấu cho VAMC dù chưa xử lý triệt để ngay nợ xấu, nhưng kéo giãn được thời gian xử lý nợ, phần nào giảm được gánh nặng và áp lực cho ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc.
Ngân hàng cũng cần tính đến chuyện hy sinh một phần nào đó để có thể thu hồi nợ xấu |
Việc giải quyết nợ xấu vẫn chậm so với kỳ vọng, theo ông, có giải pháp khắc phục?
Một vấn đề khác trong xử lý nợ xấu mà thời gian qua các NHTM không thể có hướng ra là phát mãi tài sản. Tuy nhiên, điều này đã được gỡ khi Chính phủ vừa ra Nghị quyết yêu cầu sớm giải quyết tắc nghẽn trong việc xử lý các thủ tục hành chính phát mãi tài sản đảm bảo. Do đó, điều quan trọng hiện nay là tập trung xử lý vấn đề này để tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản. Một khi bất động sản ấm lên, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ nhanh hơn, bài toán nợ xấu cũng sẽ được giải quyết.
Theo đó, tài sản đảm bảo phát mãi phải là tài sản thực, được định giá thực với mặt bằng giá thị trường, thay vì giá ảo khi con nợ và chủ nợ không chịu giảm giá. Như vậy, dù thủ tục có được tiết giảm, cũng không thể phát mãi tài sản. Do đó, ngay cả ngân hàng cũng phải tính đến chuyện hy sinh một phần nào đó để có thể thu hồi nợ. Chẳng hạn, với khoản vay rơi vào nợ xấu, nhưng ngân hàng đã trích lập dự phòng được 40%, thì khi phát mãi tài sản đảm bảo có thể chấp nhận bán lỗ 40%.
Đối với ngân hàng, tôi tin chắc họ cũng muốn làm điều này, song do thời gian qua còn vướng nhiều thủ tục và thiếu sự hợp tác của các “con nợ”.
Có nghĩa, quyền giải quyết nợ xấu đối với các ngân hàng sẽ được nâng cao, thưa ông?
Mặc dù trong hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng ký đều có điều khoản khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, ngân hàng có quyền phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Nhưng trên thực tế, để làm được điều này là không dễ với các ngân hàng, cho dù họ rất muốn phát mãi thu hồi nợ. Một phần, do vướng quy định của Luật Dân sự, nên ngân hàng mất nhiều thời gian cũng như chi phí để có thể giải quyết được.
Mặt khác, nếu ngân hàng đơn phương bán tài sản, khách hàng sẽ không hợp tác hoàn trả phần nợ thiếu hụt khi tài sản đảm bảo đó bán đi nhưng không đủ bù cho khoản nợ gốc. Trong khi, ở các nước khác, khi khoản nợ rơi vào nợ xấu, chủ nợ (tức ngân hàng) có quyền bán để thu hồi nợ và khách hàng phải trả phần thiếu hụt nếu tài sản đảm bảo phát mãi không thu hồi đủ để trả hết khoản nợ.
Trong năm nay, VAMC được kỳ vọng ở hai việc. Thứ nhất, Chính phủ đã xem xét để tăng thêm vốn cho VAMC từ mức 500 tỷ đồng hiện nay có thể lên đến 2.000 tỷ đồng, nhằm gia tăng nguồn lực cũng như tiềm lực tài chính cho Công ty trong việc mua nợ xấu cho các NHTM. Thứ hai là kỳ vọng VAMC xây dựng cơ chế bán lại nợ xấu trên thị trường nội địa để có thêm nguồn lực tiếp tục mua nợ xấu mới. Việc VAMC xem xét bán lại các tài sản đang có, theo tôi, là cần thiết, kể cả bán lỗ để có thể giải quyết được bài toán nợ xấu.
Nói vậy, việc nắn dòng tín dụng khi áp Thông tư 36 là đúng đắn với tái cấu trúc ngành?
Tôi cho rằng, các quy định của Thông tư 36 là đúng đắn và cần thiết áp dụng để tái cấu trúc ngành ngân hàng cũng như hướng đến việc áp dụng các thông lệ quốc tế.
Theo tôi, việc áp dụng các chuẩn của Thông tư 36 kể từ đầu tháng 2 là lành mạnh và nâng chuẩn cho các NHTM Việt Nam. Kể cả với điều khoản áp dụng đối với chứng khoán là hạn chế vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Các ngân hàng không được cho vay cổ phiếu quá 5% vốn điều lệ và nếu nhà băng nào vướng nợ xấu trên 3% cũng không được rót vốn vào lĩnh vực này. Điều này là hoàn toàn hợp lý, quan điểm của tôi là không nên dùng nguồn tiền vay tín dụng để đầu tư vào cổ phiếu hay bất động sản.
Chúng ta không mong muốn thị trường tăng nóng như giai đoạn 2006 – 2007. Mục tiêu là hướng tới một thị trường phát triển lành mạnh bằng nguồn tiền thực, tạo vốn trực tiếp cho thị trường, chứ không phải từ nguồn tiền tín dụng ngân hàng. Vì thế, tôi ủng hộ quy định siết vốn tín dụng vào chứng khoán, để các nhà đầu cơ không còn “cơ may” tạo ra một cơn sốt ảo nữa đối với TTCK.
Trên thực tế, giai đoạn bất động sản “sốt”, nguồn tiền đổ vào bất động sản chủ yếu từ nguồn vốn tín dụng của các NHTM cho vay, nên khi bong bóng bất động sản vỡ đã để lại hậu quả nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Do đó, các quy định của Thông tư 36 là cần thiết để giải quyết dứt điểm các tồn đọng này.
Theo ông, sức cầu tín dụng của nền kinh tế sẽ được cải thiện tốt hơn so với năm 2014?
Nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong năm nay được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn so với năm 2014 khi thị trường chung và bất động sản nói riêng ấm dần.
Năm 2014, chương trình kết nối cung cầu doanh nghiệp - ngân hàng đã phần nào giải quyết được khó khăn cho các doanh nghiệp đang vướng nợ. Với chương trình này, chỉ tính riêng địa bàn TP. HCM đã giải ngân được khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng, với lãi suất tương đối ưu đãi, hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp. Qua đó, phần nào giải quyết được nợ xấu của các doanh nghiệp ở nhóm này. Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng ta cần phải xem xét đến, đó là nợ xấu giảm trong thời gian qua chủ yếu là do được cơ cấu lại nợ.
Từ giữa năm 2014, khi Thông tư 09 chính thức có hiệu lực, nợ xấu của một số NHTM đã tăng lên đáng kể, khi các khoản nợ không được cơ cấu lại. Nhưng xét tổng thể cả hệ thống, nợ xấu không tăng, bởi đa số các khoản nợ rơi vào cơ cấu chủ yếu ở ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ. Do vậy, yêu cầu sắp xếp lại đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém, nợ xấu tăng bằng cách sáp nhập, hợp nhất là cần thiết, để có thể giải quyết được bài toán nợ xấu trong ngành ngân hàng.
Nguồn ĐTCK