TS Trần Đình Thiên: Điều hành chính sách đang làm tăng bất ổn, giảm lòng tin
Trong đó, TS Trần Đình Thiên dẫn chứng, điều hành giá xăng dầu, than, điện, lãi suất nặng hành chính, ngược các tuyên bố và cam kết WTO. Cơ chế điều hành lãi suất do áp đặt lãi suất huy động, tùy định lãi suất cho vay nên chỉ đảm bảo lợi ích cho phía ngân hàng mà nhường rủi ro lại cho người dân và doanh nghiệp.
Theo TS Trần Đình Thiên, hiệu ứng "kép" của cơ chế điều hành lãi suất là đã làm suy yếu động cơ gửi tiền của người dân (hạn chế nỗ lực chống lạm phát) và làm chậm quá trình tiếp cận vốn rẻ của doanh nghiệp (làm suy yếu nỗ lực phục hồi tăng trưởng).
Bên cạnh đó, TS Trần Đình Thiên cũng chỉ ra rằng, quá trình hoạch định chính sách đang có nhiều rủi ro. Việc thông tin, số liệu thiếu và ít công khai minh bạch, không theo chuẩn mực thế giới với ngay cả những số liệu thông thường theo thông lệ quốc tế (thâm hụt ngân sách, nợ xấu, dự trữ ngoại tệ...) dẫn tới thiếu cơ sở làm chính sách đúng và dễ gây mất lòng tin.
"Đơn cử như việc thiếu số liệu về nợ xấu và tồn kho bất động sản cũng đặt ra câu hỏi về việc có giải quyết được vấn đề nợ xấu", TS Thiên đặt câu hỏi.
Về định hướng giải quyết, TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất. Theo đó, áp trần lãi suất cho vay thay vì trần lãi suất huy động. Ngoài ra, cần gấp rút đặt ra một cơ chế giải quyết nợ xấu, tăng cường quản lý rủi ro và hệ thống quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực giám sát của các nhà quản lý và đưa ra một khuôn khổ pháp lý hợp lý.
Nguồn Dân Việt