Thứ Sáu | 15/06/2012 02:15

TS Nguyễn Đức Thành: Thỏa thuận lãi suất dài hạn là một bước để bỏ trần lãi suất

Từ nay tới cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ có khuynh hướng nới lỏng bởi dư địa đã có, song lượng tiền bơm ra thị trường sẽ không qua mạnh.
Tại Buổi tọa đàm "Chuyển động vĩ mô và Triển vọng đầu tư 6 tháng cuối năm 2012" do công ty chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) tổ chức chiều qua (14/6), TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã trao đổi về một số chính sách điều hành vĩ mô trong thời gian tới.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất xuống 9%/năm với tiền gửi dưới 12 tháng, còn tiền gửi trên 12 tháng lại cho ngân hàng và người gửi tiền tự thỏa thuận. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này?

Việc chỉ áp trần lãi suất ngắn hạn và cho thỏa thuận lãi suất dài hạn là một bước để bỏ hoàn toàn trần lãi suất. Theo tôi, kiểm soát trần lãi suất trong ngắn hạn là để ổn định thị trường trong hiện tại, còn mở cho lãi suất dài hạn là để xem thị trường hoạt động như thế nào.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện khoảng 12 - 13 tỷ USD và sẽ cần khoảng 5 - 7 tỷ USD để mua lại dần số nợ xấu đó.Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ. Để xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án thành lập công ty mua bán nợ, tuy nhiên việc xây dựng mới chỉ đang tiến hành trong nội bộ.

Năm nay, lạm phát được dự báo khoảng 7%, các nhà điều hành sẽ muốn lãi suất tiền gửi khoảng 9% để người gửi tiền vẫn được lợi. Tuy nhiên, họ chưa biết năm 2013 thị trường kỳ vọng lạm phát là bao nhiêu nên sẽ để mở lãi suất dài hạn để ngân hàng và người gửi tiền tự thỏa thuận, từ đó có thể xem xét hướng điều hành.

Ngoài ra, việc mở lãi suất dài hạn cũng là để giữ chân khách hàng, bởi nếu áp trần lãi suất tất cả các kỳ hạn ở 9%/năm thì người gửi tiền chỉ chọn kỳ hạn ngắn, như vậy vốn của ngân hàng cũng chủ yếu là ngắn hạn và chưa thể cho vay dài hạn nhiều.

Là thành viên trong tổ nghiên cứu tư vấn Chính phủ, ông có thể cho biết một số động thái về chính sách từ nay tới cuối năm của Ngân hàng Nhà nước?

Từ nay tới cuối năm, chính sách tiền tệ sẽ có khuynh hướng nới lỏng bởi dư địa đã có (tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, lạm phát thấp). Vấn đề hiện nay là Ngân hàng Nhà nước sẽ nới lỏng tiền tệ như thế nào bởi khi bơm tiền ra sẽ tạo sự bùng phát trên thị trường tài sản.

Song, theo tôi sắp tới tiền sẽ không bơm ra mạnh mà Chính phủ sẽ bơm mạnh tín dụng cho các công trình đầu tư công (khoảng vài trăm nghìn tỷ), từ đó sẽ lan tỏa xuống các doanh nghiệp nhà thầu.

Việc giảm lãi suất quá nhanh trong thời gian qua sẽ tạo ra kỳ vọng không tốt cho thị trường. Động thái này có thể chỉ tạo ra những làn sóng nhất thời trên thị trường chứng khoán hoặc bất động sản. Để tạo ra sự hồi phục vững chắc thì phải nhìn từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Về chứng khoán, tôi cho rằng đây không phải là ưu tiên của chính sách kinh tế vĩ mô, mà nó chỉ là hệ quả khi kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất phát triển, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng theo và nó sẽ phản ánh vào giá chứng khoán.

Trước tình hình tài chính, tiền tệ như vậy, ông nhìn nhận thế nào về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2012?

Theo tôi, tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ theo hai kịch bản. Ở kịch bản thứ nhất, nếu Chính phủ vẫn duy trì các yếu tố như hiện nay, dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 4,4% và lạm phát khoảng 4,6%. Kịch bản hai, nếu có thêm các yếu tố kích thích thị trường như nới tín dụng, miễn giảm thuế, dự báo tăng trưởng kinh tế khoảng 5,1% và lạm phát khoảng 6,2%.

Về tín dụng, tôi nghĩ mức tăng trưởng cả năm chỉ loanh quanh 10%, tỷ giá có thể giữ ở mức ổn định.

Nguồn DVT


Sự kiện