Thứ Tư | 05/12/2012 07:56

TS. Nguyễn Đại Lai: Không thể gộp tổng giá trị trái phiếu chính phủ vào tín dụng

Nếu ngân hàng đầu tư trực tiếp vào trái phiếu doanh nghiệp hay trái phiếu công ty thì có thể coi đó là một hình thức biến tướng của tín dụng.
TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định, nền kinh tế Việt Nam đến thời điểm cuối năm 2012 vẫn trong trạng thái thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền.

Trong khi tình trạng tốc độ tăng tín dụng bị tắc nghẽn thì trên bảng tổng kết tài sản của tổ chức tín dụng đã phải gia tăng khoản đầu tư khác cho đối tượng sử dụng vốn quen thuộc đến từ Chính phủ, tạo hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Tính đến cuối năm 2012, các ngân hàng đã mua 183.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, tương đương 6,3% tổng dư nợ tín dụng.

Về vấn đề gộp trái phiếu chính phủ vào tăng trưởng tín dụng, TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, cần phải gọi đúng tên từng khoản "sử dụng vốn" của ngân hàng thương mại. Theo đó, chỉ những khoản: cho vay, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, phát hành thẻ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá theo hồ sơ/hợp đồng tương ứng của khách hàng và thể hiện bên tài sản có ở mục cấp tín dụng trên thị trường tín dụng của ngân hàng mới gọi là tín dụng.

Các hoạt động đầu tư tài chính khác không nằm trong khái niệm tín dụng, nên không thể "gộp" tổng giá trị trái phiếu chính phủ vào tín dụng để gọi chung đó là tăng trưởng tín dụng được.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng đầu tư trực tiếp vào trái phiếu doanh nghiệp hay trái phiếu công ty, không trái với quy định về hạn mức tín dụng (nếu có) và được phép của Ngân hàng Nhà nước, thì có thể coi đó là một hình thức biến tướng của tín dụng nên có thể "gộp" phần này vào dư nợ làm thành tổng dư nợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, ông Lai cho rằng, hình thức này lại quá hiếm, do nước ta không phân chia các loại ngân hàng kinh doanh thành 3 nhóm: ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư và ngân hàng phát triển, như các nước. Ở Việt Nam, ngân hàng kinh doanh cũng phân thành 3 nhóm, nhưng lại gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách và ngân hàng hợp tác xã.

Hệ lụy là các loại ngân hàng kinh doanh đều có những nhóm sản phẩm "phong trào" và bị điều chỉnh như nhau, trong khi thực tế đã có nhiều ngân hàng hoạt động theo cơ cấu sử dụng vốn của ngân hàng đầu tư, nhưng không được bóc tách để được điều chỉnh bởi cơ chế thích ứng.

Nguồn Doanh nhân Sài Gòn


Sự kiện