TS Lê Xuân Nghĩa: Nước ngoài muốn "mua nguyên lô" nợ xấu
Ông Nghĩa cho biết, Chính phủ kiên quyết xử lý vấn đề sở hữu chéo, bởi những ngân hàng có sở hữu chéo thường có tỷ lệ nợ xấu cao nhất.
Các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua nợ xấu qua công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) hay mua trực tiếp từ các ngân hàng?
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, VAMC phải tập trung, nếu phân tán sẽ không có hiệu quả. Lý do, VAMC như những người đi làm ve chai, phải thu gom vào một chỗ, phân loại, rồi mới bán cho người mua, chứ các khách hàng không thể tự đi thu gom được, vì họ không biết nó ở đâu. Các nhà đầu tư nước ngoài vào đây chỉ có dăm ba chục quỹ đầu tư lớn với những đơn mua hàng tỉ, hoặc hàng trăm triệu USD, nên không thể tới từng ngân hàng thương mại để xem ông bán cái gì, tìm hiểu khối tài sản cần bán có thể nằm từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Ngoài ra, VAMC có một đặc quyền là có thể bán nợ xấu cho bất cứ ai mà không cần phải tham khảo ý kiến của các chủ sở hữu trước đó như các doanh nghiệp hay ngân hàng thương mại và điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, vì chỉ cần đến một cửa, đàm phán, thanh toán ở đó, làm thủ tục ở đó.
Như vậy, VAMC sẽ tạo đà để thúc đẩy thanh khoản cho thị trường nợ xấu?
Chỉ có điều, VAMC vừa mới hoạt động, họ không thể ngờ các nhà đầu tư nước ngoài lại vào nhiều như thế, thậm chí có người đặt mua ngay lập tức với giá trị rất lớn, trong khi VAMC chưa kịp phân loại hàng hoá, chưa kịp tạo ra những phiên đấu thầu về một lô lớn, nên cũng lúng túng. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có chủ trương, phương thức mua - bán rõ ràng. Chúng ta vừa tổ chức đấu thầu bán chiếc tàu đầu tiên trong số năm chiếc tàu của Vinashin, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua năm chiếc một lúc, không qua đấu thầu. Họ không thích đấu thầu, thứ nhất vì e ngại có thể làm lộ thông tin vì đấu thầu, ngại "quân xanh quân đỏ"; thứ hai, vì họ mua có tính chất đầu cơ, cần mua nhanh, có lãi có thể bán ngay, nhưng nếu tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian, có thể tới 6 - 7 tháng mới bán được một chiếc tàu. Đây là những vấn đề mà tới đây khi xử lý nợ xấu chúng ta phải rút kinh nghiệm.
Theo ông, chính sách cần điều chỉnh ra sao?
Thực ra văn bản chủ chốt chúng ta đã có rồi, nằm trong luật Dân sự, luật Các tổ chức tín dụng, luật Phát mại tài sản… Vấn đề là chủ trương, cách thức làm như thế nào để người nước ngoài họ chấp nhận được. Theo kinh nghiệm quốc tế, các nước có thể bán cho nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất tới 60% nợ xấu, ít nhất cũng phải 30%. Nếu không có nhà đầu tư nước ngoài thì không thể làm tăng thanh khoản nợ xấu được. Nếu chúng ta xử lý chậm, bán thu hẹp cho thị trường nội địa, có thể làm toàn bộ thị trường bất động sản sụp đổ, vì sẽ chẳng có ai mua cả.
Vấn đề hậu tái cấu trúc, theo ông phải làm gì để các ngân hàng thương mại không lặp lại sai lầm dẫn tới nợ xấu?
Năm 2014, Chính phủ tập trung tái cấu trúc sở hữu tại các ngân hàng thương mại. Bởi trên thực tế, nhiều ngân hàng mà ông chủ nhà băng đồng thời là ông chủ của các tập đoàn, doanh nghiệp - có nợ xấu lớn nhất. Tại những ngân hàng này, doanh nghiệp của các ông chủ đó chiếm toàn bộ tín dụng trung và dài hạn của ngân hàng. Họ luôn tìm cách đảo nợ để duy trì nợ ở nhóm 1, nhóm 2. Qua sở hữu chéo, một nguồn tín dụng khổng lồ đã đổ vào các tập đoàn tư nhân, mà trường hợp nhiều nhất có thể lên tới 100.000 tỉ đồng, trường hợp thấp hơn là 40.000 - 50.000 tỉ đồng, và rất đông những trường hợp 5.000 - 7.000 tỉ đồng trong khi tài sản của họ chỉ còn 1.000 - 2.000 tỉ đồng. Có "đại gia" là chủ ngân hàng mà khoản vay của họ chiếm tới 43% vốn tự có của ngân hàng đó… Để lách luật, họ đứng tên con, cháu, họ hàng, người quen, qua nhiều vòng khiến cho ngân hàng không kiểm soát nổi, thậm chí ngay cả thanh tra ngân hàng Nhà nước cũng không thể kiểm soát nổi và chỉ có cơ quan điều tra mới có thể làm rõ việc đó. Quan điểm của Chính phủ là dứt khoát đuổi những ông chủ này ra khỏi hệ thống ngân hàng, tài chính. Trường hợp vi phạm nặng hơn, có thể xử lý hình sự.
Nguồn Sài Gòn tiếp thị