Thứ Năm | 24/10/2013 08:04

TS Lê Xuân Nghĩa: Nghiên cứu "trả lại vàng cho thị trường"

Tiếp tục kéo dài tình trạng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền kinh doanh và sản xuất vàng miếng sẽ là sai lầm lớn.
Chúng ta đã hoàn thành sứ mệnh trong việc quản lý thị trường vàng, bao gồm ổn định được giá vàng, trong năm 2013 không còn các cơn sốt về giá vàng như năm 2012. Bên cạnh đó là chống vàng hóa triệt để, thể hiện ở điểm các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đóng trạng thái, chấm dứt không còn huy động và cho vay vàng. Vấn đề khác là nhờ vào việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu vàng góp phần vào phục hồi ngoại tệ.

Mục tiêu là phục hồi ngoại tệ
Năm 2011, bối cảnh kinh tế đứng trước nguy cơ khủng hoảng, lạm phát cao lên đến 18%, lãi suất trên 20%, thanh khoản của các NHTM yếu. Đặc biệt đây là lần đầu tiên nợ xấu của hệ thống NHTM bộc lộ những con số khủng khiếp. Trong khi đó, thị trường bất động sản đóng băng có nguy cơ đổ vỡ, tỉ giá hối đoái phải điều chỉnh liên tục cả năm lên đến 10%. Ngoại hối giảm mạnh trong năm 2008, từ 23 tỉ USD giảm xuống 7 tỉ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo số ngoại hối còn lại không đủ trang trải các khoản nợ ngắn hạn của các doanh nghiệp (DN) cũng như của các NHTM Việt Nam. Lúc này DN càng chống đỡ trước cơn bão khó khăn càng rơi sâu vào khủng hoảng.

Tuy nhiên, chỉ trong hơn 18 tháng, chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Trước đây vào những năm 2010, 2011 vàng nhập khẩu bằng cả hai con đường chính thức và phi chính thức tốn khoảng 5 tỉ USD/năm, chiếm một nửa thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài các biện pháp như hạn chế nhập các mặt hàng xa xỉ phẩm, chúng ta cũng đã phải hạn chế đến mức tối đa nhập khẩu vàng chính thức và giảm được tình trạng nhập lậu. Với mục đích là phục hồi nhanh chóng dự trữ ngoại hối.

Chính vì lý do này, Chính phủ đi đến quyết định bỏ luôn chế độ cấp quota cho các DN, giao cho NHNN quyền được độc quyền nhập khẩu vàng. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát việc nhập lậu vàng vào TP.HCM, thường chỉ có lãi khi số vàng ấy được dập thành vàng SJC. Bởi vàng SJC so với các vàng khác thường cao hơn vài triệu đồng/lượng. Từ khảo sát này, mới đi đến quyết định táo bạo hơn là quốc hữu hóa vàng SJC. Nghĩa là vàng SJC trở thành thương hiệu vàng quốc gia. Công ty vàng SJC chỉ là đơn vị gia công cho NHNN. Chính vì thế mặc dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới còn rất lớn nhưng buôn lậu giảm hẳn. Đấy là một trong những yếu tố chúng ta phục hồi rất nhanh thị trường ngoại tệ.

Chống USD như với vàng

"Bước vào năm 2013, chúng ta đã loại bỏ được nhiều rủi ro của khủng hoảng. Cụ thể như thanh khoản của các NHTM được đảm bảo, lạm phát được kéo từ 18% xuống khoảng 7%. Duy trì được tỉ giá ổn định, lãi suất cũng giảm từ trên 20% xuống vùng 10%".

Trong những năm 2008, 2009 có những NHTM lớn duy trì tài sản dưới dạng vàng chiếm 1/3 tổng tài sản. Trên thực tế NHTM dùng tiền gửi của dân để mua bán vàng rất lớn. Cũng trong bối cảnh NHNN được độc quyền nhập khẩu vàng để điều tiết thị trường, Chính phủ quyết định phải loại bỏ vàng ra khỏi NHTM. Không có NHTM nào được huy động, cho vay bằng vàng. Đây cũng là một trong những yếu tố phục hồi lại rất nhanh dự trữ ngoại tệ. Vì thế dự trữ ngoại tệ từ 7 tỉ USD năm 2008 đến nay lên 28 tỉ USD, tạo lập được cán cân thanh toán thặng dư và dự kiến năm nay trên 5 tỉ USD.

Song song với việc chống vàng hóa, chúng ta sẽ làm tương tự như vậy với USD. Lộ trình chống đôla hóa sẽ kéo dài đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay đã có nhiều giải pháp được đưa vào thực hiện. Đầu tiên có thể kể đến việc tăng dự trữ bắt buộc của tiền gửi ngoại tệ tại các NHTM, bên cạnh đó, việc cho vay ngoại tệ cũng được siết chặt. Nghĩa là NHTM chỉ cho vay USD nếu DN chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Các DN không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ chỉ được phép vay khi có văn bản chính thức của NHNN với từng trường hợp cụ thể mà thôi. Một giải pháp khác là giảm lãi suất huy động với đồng USD. Và dự báo đến khoảng năm 2017-2018 tình trạng đôla hóa sẽ không còn.

Quay lại vấn đề vàng, sứ mệnh của việc chống vàng hóa đã thành công. Hiện nay, NHNN đang làm vai trò tạm thời độc quyền để can thiệp thị trường nhưng vai trò đã hoàn thành. Nếu bây giờ tiếp tục duy trì, nghĩa là kéo dài chính sách NHNN là người duy nhất gánh chịu rủi ro của thị trường vàng thì đó là sai lầm. NHNN sẽ nghiên cứu đề án để trả lại vàng cho thị trường. Còn NHNN sẽ làm nhiệm vụ giám sát toàn bộ hoạt động trên thị trường vàng.

TS LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Ban Cố vấn của Chính phủ

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện