Thứ Năm | 03/01/2013 22:00

TS. Lê Xuân Nghĩa: Năm 2014 nền kinh tế sẽ sáng sủa hơn

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước nên thường xuyên đánh giá tình hình lạm phát từng tháng để nhanh chóng điều chỉnh lãi suất linh hoạt.
Trong cuộc trao đổi với báo Sài Gòn đầu tư tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, nhận định: Năm 2012 Ngân hàng Nhà nước đã bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần tích cực kiềm chế làm giảm lạm phát, ổn định thanh khoản, chấn chỉnh thị trường liên ngân hàng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm, dãn nợ và giảm lãi suất của nợ, rà soát nợ xấu, buộc các ngân hàng thương mại trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc đưa thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, tình trạng đô la hóa giảm thấp. Tín dụng dù thấp nhưng cơ cấu được chuyển dịch theo hướng tích cực vào khu vực sản xuất theo đúng chủ trương của Chính phủ; tỷ trọng tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn tăng lên là điều tích cực cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, năm qua ngành ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế như tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (chỉ đạt 7%), nợ xấu gia tăng mạnh.

Năm 2013 Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% liệu có hợp lý?

Để đảm bảo tăng trưởng 6-6,5% như Quốc hội đề nghị, có thể nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế sẽ cao hơn kế hoạch đặt ra 12%. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bơm vốn nhưng e rằng nền kinh tế khó hấp thụ được.

Thực tế, năm 2012 Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không hạn chế tăng trưởng nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thụ nổi vốn. Đây cũng là lý do tín dụng năm 2012 tăng trưởng rất trì trệ.

Vì vậy, theo tôi 12% là mức tăng vừa phải, vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng GDP 6-6,5%, vừa phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Nếu cao quá nền kinh tế sẽ không hấp thụ nổi bởi tổng cầu của nền kinh tế còn yếu.

Theo ông, năm 2013 kênh trái phiếu chính phủ (trái phiếu chính phủ) còn là kênh tiêu vốn chính của ngân hàng thương mại?

Thực tế, phần lớn nợ xấu tập trung vào vài ngân hàng thương mại. Trích lập dự phòng rủi ro của toàn hệ thống 75.000 tỷ đồng nhưng nhiều ngân hàng thương mại nợ xấu lớn lại không trích lập đủ dự phòng rủi ro. Có ngân hàng nợ xấu 40% nhưng không ai biết, chưa ai cảnh báo...

Đây là bài toán mà năm 2013 ngành ngân hàng phải giải quyết. Để làm được điều này, bên cạnh đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt hơn trong xử lý ngân hàng yếu kém, như quốc hữu hóa, hoặc tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập… không để tình hình này kéo dài gây khó cho xử lý nợ xấu.

Nếu tín dụng mở rộng được, đương nhiên sẽ hạn chế mua trái phiếu chính phủ. Thực tế năm qua các ngân hàng thương mại mua nhiều trái phiếu chính phủ do không mở rộng được tín dụng, nên chỉ còn 3 kênh để tiêu vốn: mua trái phiếu chính phủ, mua tín phiếu ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước và gửi phần thừa dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước.

Đến nay, con số dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước khoảng 70.000 tỷ đồng, vốn mua trái phiếu chính phủ 158.000 tỷ đồng, số dư của tín phiếu Ngân hàng Nhà nước khoảng 45.000 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ các ngân hàng thương mại lớn đang thừa tiền và khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn rất yếu.

Ngân hàng Nhà nước vừa hạ lãi suất huy động xuống 8%/năm. Vậy theo ông lãi suất có tiếp tục hạ nữa?

Chắc Ngân hàng Nhà nước không muốn tiếp tục sử dụng công cụ trần hoặc sàn lãi suất nữa và cũng muốn đảm bảo lộ trình tự do hóa lãi suất. Việc điều chỉnh giảm lãi suất tiếp nữa hay không trong năm 2013 phải thận trọng, tùy thuộc vào mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.

Nếu có hạ lãi suất xuống tiếp, dư địa để hạ không còn quá lớn, tối đa khoảng 1-2%. Bài toán tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế trong năm 2013 không chỉ dựa vào lãi suất thấp, mà còn phụ thuộc vào tốc độ xử lý nợ xấu, dòng chảy vốn và sức cầu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nên thường xuyên đánh giá tình hình lạm phát từng tháng để nhanh chóng điều chỉnh lãi suất linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Đánh giá của ông về việc Ngân hàng Nhà nước không khống chế dư nợ cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… nhưng lại không áp trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực này?

Về nguyên tắc, các lĩnh vực cho vay như chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng… cũng cần được đối xử bình đẳng như các lĩnh vực khác. Vì vậy việc không khống chế dư nợ là đúng.

Tuy nhiên, cũng cần có những điều kiện khác để thay cho việc không áp dụng trần lãi suất cho vay cũng như hạn mức tín dụng ở các lĩnh vực này như: phải có chính sách lãi suất ưu đãi với nhà giá rẻ, hoặc phải kiểm soát chặt chẽ việc đẩy vốn vào các khu căn hộ cao cấp, resort đang chôn rất nhiều vốn và đang tiêu thụ rất khó khăn.

Ngân hàng Nhà nước không khống chế hạn mức nhưng cần giám sát chặt chẽ tín dụng của các ngân hàng thương mại từng lĩnh vực, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải công khai minh bạch dư nợ từng lĩnh vực.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản quy định về hoạt động ủy thác đầu tư nhằm hạn chế việc ngân hàng thương mại sử dụng nghiệp vụ này để đẩy vốn vào lĩnh vực không khuyến khích phát triển cho nền kinh tế.

Năm 2013 hệ thống ngân hàng thương mại cần giải pháp gì để giúp phục hồi nền kinh tế?

Năm 2013 đặt ra 2 thách thức là nền kinh tế có lấy lại được đà phục hồi hay rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài. Nếu hệ thống ngân hàng thương mại xử lý được một bước đột phá nợ xấu, tồn đọng bất động sản, giảm lãi suất huy động xuống mức 7%/năm và lãi suất cho vay 11%/năm, tăng tiêu dùng và đầu tư, làm nóng lại nền kinh tế… sẽ lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ đầu tư nhiều hơn và năm 2014 nền kinh tế sẽ sáng sủa hơn. Đặc biệt, vấn đề xử lý nợ xấu phải được thực hiện càng nhanh càng tốn ít chi phí. Xử lý nợ xấu nhanh tạo ra đột phá, doanh nghiệp sẽ quay trở lại tín dụng ngân hàng và lúc đó mới nghĩ đến chuyện đầu tư trung, dài hạn, thu hút công ăn việc làm và nền kinh tế mới nóng trở lại được.

Nguồn Sài Gòn đầu tư tài chính


Sự kiện