Thứ Ba | 01/01/2013 08:16

TS Lê Hồng Giang: Không thể cứ nhắm mắt kích cầu hay nới lỏng tiền tệ mỗi khi kinh tế suy giảm

"Tôi là tín đồ tư tưởng thực tế của Keynes. Khi đưa ra chính sách gì cũng phải nhìn vào thực tại kinh tế xã hội để có lựa chọn đúng đắn".
Nhân đầu năm mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Lê Hồng Giang (hay còn gọi là blogger Giang Lê), chủ của blog kinhtetaichinh về những vấn đề kinh tế năm qua.
Nếu như trong năm 2008, khi đọc bài viết của ông, tôi nhận thấy rất rõ tư tưởng “bồ câu” của Keynes khi ủng hộ các biện pháp can thiệp vào thị trường trong nhiều bài viết thì đến năm 2012, quan điểm của ông lại “diều hâu” hơn khi ủng hộ các chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Liệu có một sự chuyển biến về tư tưởng kinh tế của Giang Lê trong năm 2012 không?

Tôi rất thích câu nói này của Keynes: "Nhà nước chỉ nên làm những gì thị trường không làm được". Tôi luôn luôn quan niệm rằng thị trường là cơ chế quan trọng nhất giúp cho một nền kinh tế vận hành hiệu quả. Nhưng tôi chia sẻ quan điểm của giới Keynesian rằng thị trường không "toàn năng" và một xã hội hiện đại không thể phó mặc toàn bộ các hoạt động kinh tế cho thị trường.

Bởi vậy tôi ủng hộ ý tưởng của các nhà kinh tế học Keynesian về vai trò của các chính sách tài khóa và tiền tệ trong việc giảm bớt tác động của chu kỳ kinh doanh vào nền kinh tế và đời sống người dân.

Giải pháp mà tôi đã và vẫn kêu gọi là cứ để giá bất động sản giảm tiếp, cứ để các chủ dự án và chủ ngân hàng chịu lỗ. Chỉ cần một phần số tiền giải cứu nói trên đủ để tái cấp vốn (recapitalization) cho các ngân hàng sau khi buộc họ phải giảm bớt (write off) đi phần lớn số nợ xấu tồn đọng.

Quá trình quốc hữu hóa một phần (partial nationalization) hệ thống ngân hàng này sẽ phải đi cùng một cam kết chắc chắn về lộ trình tái cổ phần hoá (re-privatization) khi nền kinh tế phục hồi.

Hãy để các "đại gia" bất động sản và ngân hàng trả giá cho sai lầm của họ, hãy để cho những "nhà đầu tư địa ốc" học bài học thị trường. Người dân lao động Việt Nam cần phải có một thị trường bất động sản có giá cả hợp lý hơn (affordable), đó mới là điều nhà tạo lập chính sách phải hướng tới.

Tuy nhiên không thể cứ nhắm mắt kích cầu hay nới lỏng tiền tệ mỗi khi kinh tế suy giảm. Cần phải phân tích rõ nguyên nhân, ví dụ cú sốc cầu hay cú sốc cung, suy thoái do khủng hoảng bảng cân đối tài sản hay chính sách thắt thặt tiền tệ (balance sheet recession hay monetary tightening recession).

Hơn nữa cần phải biết những ràng buộc (constraint) của chính sách, nghĩa là tình hình kinh tế xã hội hiện tại có còn "room" cho việc nới lỏng nữa hay không.

Tôi không phải tín đồ của Keynes nhưng tôi là tín đồ của tư tưởng thực tế (pragmatism) của ông. Khi đưa ra chính sách gì cũng phải nhìn vào thực tại kinh tế xã hội để có lựa chọn đúng đắn. Không phải lúc nào cũng nới lỏng chính sách khi có dấu hiệu suy thoái, cũng như không phải lúc nào cũng "thắt lưng buộc bụng" để giảm nợ hay "diều hâu" để chống lạm phát.

Đối với kinh tế Việt Nam năm 2012, tôi cho rằng "dư địa" để nới lỏng tiền tệ và tài khóa không còn nhiều, hiệu quả của những chính sách này không cao và sẽ càng làm méo mó thêm nền kinh tế. Vấn đề tái cấu trúc kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, quan trọng hơn nhiều để Việt Nam có nền tảng tăng trưởng lâu dài. Hơn nữa trong hoàn cảnh các nhóm lợi ích ngày càng có ảnh hưởng vào quá trình hoạch định chính sách, những biện pháp kích cầu, bơm vốn, mua nợ xấu sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho đa số người dân dù kinh tế có tăng trưởng thêm vài ba phần trăm.

Quan điểm của tôi kiên quyết tái cơ cấu và làm trong sạch nền kinh tế có lẽ làm bạn có cảm tưởng tôi rất "diều hâu" trong năm qua. Nhưng đó không phải là sự tin tưởng mù quáng vào thị trường tự do và khuyến cáo loại bỏ hoàn toàn vai trò nhà nước mà là một nhận định có tính thực tế ở thời điểm hiện tại.

Có một nhận xét thú vị: Lê Hồng Giang có khả năng “dự đoán” chính sách kinh tế của Việt Nam, năm 2009 ông ủng hộ gói kích cầu, chính phủ tung ra gói kích cầu, năm 2012, ông phản đối gói kích cầu, các biện pháp kích cầu kinh tế không được triển khai. Ông có kỳ vọng thông qua các bài viết trên blog tác động đến chính sách kinh tế của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam không?

Tôi không ảo tưởng blog kinhtetaichinh có ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của Việt Nam nhưng tôi kỳ vọng bạn đọc trên blog này, mà phần đông là sinh viên, trong tương lai sẽ có kiến thức kinh tế tài chính vững vàng hơn khi họ ngồi vào vị trí của các nhà tạo lập chính sách (policy makers). Có thể lúc đó những kiến thức mà tôi đã và đang chia sẽ trên blog sẽ lạc hậu, nhưng tôi hi vọng các chính sách kinh tế sẽ được xây dựng trên nền tảng lý thuyết vững vàng, cân nhắc và suy luận logic chặt chẽ, và nhất là được thảo luận dân chủ, công khai và minh bạch như tinh thần mà blog kinhtetaichinh luôn cổ súy.
Chính phủ vừa ban hành một loạt các giải pháp để “giải cứu” thị trường bất động sản. Quan điểm của ông về các biện pháp giải cứu đó?

Tôi không đồng tình với việc tung hàng trăm nghìn tỷ đồng để giải cứu bất động sản và ngân hàng, mà chủ yếu sẽ là giải cứu cho các đại gia đã kiếm được rất nhiều tiền trong những lĩnh vực đó trong vài năm qua. Quan điểm của tôi vẫn nhất quán là cần phải để “sự phá hủy sáng tạo” (creative destruction) loại bỏ những ung nhọt trong nền kinh tế, tiền thuế của dân nên tập trung vào cải thiện các dịch vụ công (chứ không phải đầu tư công) và xây dựng một cơ chế bảo hiểm xã hội công bằng và bền vững.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Nguồn Khampha


Sự kiện