Thứ Sáu | 28/12/2012 09:28

TS Cấn Văn Lực: Nợ xấu đang ở mức độ nguy hiểm

Theo TS Cấn Văn Lực, nợ xấu đang ở mức độ nguy hiểm chứ không chỉ đơn giản là một điều bình thường của hệ thống ngân hàng.
Tổng dự nợ tín dụng của nền kinh tế tinh đến ngày 30/9 là 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó nợ xấu toàn ngành ngân hàng năm 2012 được xác định là khoảng 10%, tương đương với 290 nghìn tỷ, theo số liệu của NHNN. Tính từ năm 2008, nợ xấu liên tục tăng và đến năm 2012 đã tăng tới 66%. Theo số liệu của các tổ chức tín dụng, tính đến ngày 30/9, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 4,93%, nhưng theo NHNN tỷ lệ này là 8,82%.

Theo tính toán của TS.Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV, theo số liệu công bố của NHNN, sau khi đã giải quyết 12 nghìn tỷ nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cần giải quyết còn 278 nghìn tỷ đồng.

Chiều 27/12, tại cuộc họp báo tổng kết cuối năm, thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong năm 2012, trong 4 tháng đầu năm, nợ xấu tăng khoảng 8-9% mỗi tháng, đến nay tốc độ tăng còn 3%/tháng, đặc biệt tháng 10 nợ xấu giảm 0,95%.Các tổ chức tín dụng cũng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đến nay, số dự phòng rủi ro đã trích mà chưa sử dụng là 78,6 nghìn tỷ đồng. 11 tháng đầu năm, số nợ xấu đã được xử lý bằng dự phòng đạt khoảng 39 nghìn tỷ đồng.


Tổng nợ xấu cần xử lý sau khi đã sử dụng hết quỹ dự phòng rủi ro và sau khi thanh lý hết tài sản đảm bảo là bất động sản là hơn 89 nghìn tỷ đồng, chưa kể nợ tồn đọng xây dựng cơ bản ước khoảng 93 nghìn tỷ đồng.

Bức tranh hệ thống ngân hàng trong thời gian qua được TS.Quách Mạnh Hào thuộc trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đưa ra với những đặc điểm cơ bản: các ngân hàng huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn một cách lỏng lẻo. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh lời lành mạnh của hệ thống, đồng thời gây áp lực lên khả năng thanh khoản.

Do vậy các ngân hàng buộc phải chạy đua lãi suất để tồn tại và áp đặt chi phí lên xã hội. Nhà nước vô tình đã tiếp tay cho quá trình trên bằng tuyên bố không cho ngân hàng nào phá sản. Khi lãi suất và nợ xấu tăng đến một mức độ báo động, tình trạng suy giảm tín dụng xảy ra càng làm cho nợ xấu thêm trầm trọng.

TS.Cấn Văn Lực cũng đưa ra một số giải pháp tổng thể nhằm xử lý nợ xấu: giải quyết tồn kho hàng hóa, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, 6 phương thức xử lý nợ xấu (cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi và phí tín dụng, mua bán nợ bằng cách thành lập công ty mua bán nợ quốc gia hoặc chứng khoán hóa nợ xấu, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại, xử lý phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp).

Đồng thời, đẩy nhanh và dứt điểm tái cơ cấu tài chính tín dụng, thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, gồm cả việc xử lý nợ tồn đọng xây dựng cơ bản, tăng cường cơ chế, công cụ “”phòng ngừa rủi ro” trong tương lai.

Hình thức thành lập công ty mua bán nợ quốc gia tuy vấp phải nhiều tranh cãi nhưng vẫn được coi là một phương án hữu hiệu đối với giải quyết nợ xấu.

Giải pháp sáp nhập các ngân hàng cũng được thảo luận nhiều, trong đó khuyến nghị sáp nhập các ngân hàng có cùng lĩnh vực hoạt động thay vì sáp nhập ngân hàng tốt với ngân hàng yếu. Có nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần nhận thức được việc chấp nhận phá sản một số ngân hàng yếu kém trước khi thực hiện các giải pháp khác.

Nguồn Bộ Kế hoạch Đầu tư


Sự kiện