TS. Alan T.Pham: Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc vào cuối quý III/2012
Ông có thể phân tích cụ thể hơn lý do chính khiên thị trường chứng khoán liên tục mất điểm trong những phiên gần đây, mặc dù diễn biến vĩ mô có không ít điểm sáng?
Nền kinh tế Việt Nam có một đặc trưng cơ bản là tăng trưởng GDP phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng tín dụng. Điều này có nghĩa là ngay cả khi ưu tiên kiềm chế lạm phát thì cũng không nên siết tín dụng quá chặt như thời gian qua, bởi làm cho nền kinh tế rơi vào đình trệ như hiện tại. Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy, vì kiềm chế lạm phát đã đạt được kết quả có phần vượt quá mục tiêu đề ra, nên gây ra phản ứng phụ là nền kinh tế rơi vào đình trệ.
Đây là lý do chính khiến thị trường chứng khoán không mấy khả quan sau 2 quý đầu năm. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến thị trường chứng khoán liên tục mất điểm trong thời gian gần đâylà do thị trường phản ánh trước kết quả kinh doanh quý I/2012 của các doanh nghiệp. Do các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, nên dự kiến kết quả kinh doanh trong quý này không mấy khả quan.
Thưa ông, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chậm có là lý do khiến thị trường chứng khoán không mấy sôi động trong thời gian qua?
Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài nhìn diễn biến tiến trình cổ phần hóa không chỉ ở tiến độ triển khải, mà điều quan trọng không kém là họ quan tâm đến mức độ thực hiện cam kết cổ phần hóa của các cấp quản lý, cũng như DNNN, đặc biệt là các DNNN lớn ra sao.
Lộ trình cổ phần hóa các DNNN thời gian qua vừa kém minh bạch, vừa thường xuyên thay đổi, điển hình như trường hợp của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đã tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư, cũng như thị trường.
Nếu vì lý do thị trường chứng khoán không thuận lợi cho việc tiến hành các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), mà tiến trình cổ phần hóa chậm lại như thời gian qua, thì đó là điều nhà đầu tư khó chấp nhận. Dòng tiền của khối ngoại không thể chờ đợi cơ hội đầu tư vào các đợt IPO có nhiều yếu tố chưa rõ ràng và bất định.
Đây có phải là nguyên nhân khiến dòng tiền mới, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài chưa tham gia thị trường, thưa ông?
Đúng vậy, bởi đây là một trong 2 lý do chính khiến khối ngoại không mấy mặn mà tham gia thị trường suốt từ đầu năm đến nay. Trong khi điều lo ngại thứ nhất của họ là tình trạng kinh tế đình trệ đang được giải quyết khá rốt ráo, thì tiến trình cổ phần hóa vẫn chưa có dấu hiệu rõ rệt được "làm nóng" trở lại. Vietnam Airlines là một mặt hàng đáng giá, sẽ thu hút được sự tham gia của khối ngoại. Qua đó, hứa hẹn mang lại sinh khí mới cho thị trường sau một thời gian dài lình xình.
Dẫu vậy, thị trường sẽ có triển vọng khả quan hơn từ quý III/2012, nhờ các giải pháp tài khóa và tiền tệ đang được triển khai khá đều tay, thưa ông?
Có một điểm không khó nhận ra là sau một số lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động, thì đã không mang lại hiệu ứng tích cực đáng kể cho thị trường chứng khoán. Nguyên nhân của tình trạng này là lãi suất huy động giảm, nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện, do các khoản nợ quá hạn, trong đó có cả nợ xấu chưa được giải quyết. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của cả cơ quan quản lý lẫn các ngân hàng và doanh nghiệp, thì từ quý III/2012, doanh nghiệp sẽ dần tiếp cận được vốn.
Trong khi giải pháp tiền tệ cần có thêm thời gian để phát huy tác dụng, thì chính sách tài khóa đang được triển khai khá rốt ráo, nên sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 806 yêu cầu các bộ, UBND các tỉnh tập trung vốn bố trí cho các gói thầu áp dụng chỉ định thầu, đã ký hợp đồng, đã hoàn thành và bàn giao đư vào sử dụng trước ngày 31/12/2011, nhưng chưa bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm trong năm 2012, không để nợ động trong xây dựng cơ bản. Một loạt chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người lao động vừa được Quốc hội thông qua cũng sẽ góp phần kích thích cho cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ.
Những giải pháp nêu trên sẽ dần tháo gỡ 2 khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp hiện tại là khó tiếp cận vốn và hàng tồn kho cao. Điều này có thể đưa GDP quý III/2012 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6% so với mức khoảng 4,5% trong quý II này. Bởi vậy theo tôi, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc vào cuối quý III/2012.
Nguồn Đầu tư chứng khoán