Thứ Tư | 02/05/2012 09:22

TS. Alan T.Pham: Cơ hội đón dòng vốn ngoại từ cuối quý II

Việc sớm phát đi tín hiệu giải cứu nền kinh tế sẽ giúp thị trường chứng khoán nhận được tín hiệu tích cực từ phía nhà đầu tư nước ngoài.
Kinh tế đình trệ đang là mối lo mới đối với nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt nam. TS. Alan T.Pham, kinh tế trưởng tập đoàn VinaCaptial, cho rằng, nếu tình trạng ngày được tháo gỡ vào cuối quý II/2012, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội đón thêm dòng vốn ngoại.

Sự đình trệ của nền kinh tế đáng quan ngại đến mức nào, thưa ông?

Quý I/2012, GDP chỉ tăng trưởng 4% so với quý I/2011 đã nói lên sự đình trệ đáng lo ngại của nền kinh tế. Hệ quả rõ rệt nhất của tình trạng này là các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài số lượng khá lớn doanh nghiệp giải thể, phá sản, thì ngay nhiều doanh nghiệp đang cầm cự cũng đứng trước nguy cơ đóng cửa do vẫn rất khó tiếp cận tín dụng, mặc dù các ngân hàng có giảm lãi suất.

Với một nền kinh tế tăng trưởng dựa rất nhiều vào sự phát triển của doanh nghiệp như Việt Nam, tình trạng hàng loạt doanh nghiệp ốm yếu, thậm chí "chết", trong đó có cả những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đang thực sự là mối quan ngại lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Hai mối lo chính quen thuộc là nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét quyết định giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam là lạm phát cao và tỷ giá biến động với biên độ lớn đã được thay bằng nỗi lo kinh tế đình trệ.

Theo ông, cần ưu tiên triển khai những giải pháp nào để dần đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ, qua đó tạo cơ hội giúp nhiều doanh nghiệp sống sót?

Tựu chung lại là phải điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Đối với chính sách tiền tệ, có một điều khá bất thường trong thời gian qua là, tuy Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm trần lãi suất và hiện đưa trần lãi suất huy động về 12%/năm, nhưng theo phản ánh của rất nhiều doanh nghiệp, họ vẫn khó tiếp cận vốn giá rẻ. Nếu muốn vay, các doanh nghiệp vẫn phải trả mức lãi suất 18-20%/năm. Đây là mức quá cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, bởi trong bối cảnh kinh tế đình trệ, họ không biết kinh doanh kiểu gì để kiếm được lợi nhuận đủ để trả lãi ngân hàng, chứ chưa nói gì đến tích lũy.

Điều đáng ngại nữa phát sinh từ tình trạng nền kinh tế đình trệ, là các ngân hàng thương mại không thấy mặn mà cho doanh nghiệp vay. Lý do là bởi họ sợ rủi ro mất vốn, vì kinh tế đình trệ, doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn. Điều này phần nào lý giải tại sao, trên thực tế, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất không đáng kể.

Khi chính sách tiền tệ gặp khó trong hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ thìh cần gia tăng hiệu năng của chính sách tài chính. Trong đó, trọng tâm là sớm xem xét triển khai chính sách miễn, giảm, giãn thúe cho doanh nghiệp và người dân, để hỗ trợ sản xuất cũng như kích cầu tiêu dùng.

Ý ông là tín hiệu giải cứu nền kinh tế dần thoát khỏi tình trạng đình trệ hiện tại cần sớm được phát đi?

Điều quan trọng là nếu tín hiệu giải cứu nền kinh tế dần thoát khỏi tình trạng đình trệ sớm được phát đi, thì thị trường chứng khoán sẽ nhận được hiệu ứng tích cực từ nhà đầu tư nước ngoài. Qua tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư này, cũng như theo dõi các tạp chí, hãng tin tài chính uy tín của nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, họ tiếp tục đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam hiện là 1 trong 3 thị trường hấp dẫn nhất châu Á. Diễn biến từ thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay đã phần nào chứng minh cho nhận định của họ. Với sức hấp dẫn như vậy, nhất là mặt bằng giá cổ phiếu tốt hiện vẫn khá rẻ, một khi tín hiệu giải cứu nền kinh tế được phát đi từ Chính phủ, thì có thể cuối quý II/2012, thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội đón thêm dòng vốn ngoại.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa trình Bộ tài chính phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi cản trở này được tháo gỡ sớm, sẽ gia tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán trong con mắt nhà đầu tư ngoại, thưa ông?

Đây là điều nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị và kỳ vọng từ nhiều năm nay. Nếu thủ tục này khẩn trương được tháo gỡ, cùng với tín hiệu hỗ trợ nền kinh tế dần thoát khỏi tình trạng đình trệ sớm được phát đi, sẽ giúp thị trường chứng khoán có thêm sức hấp dẫn trong thu hút dòng vốn ngoại.

Nguồn ĐTCK


Sự kiện