Thứ Ba | 25/12/2012 08:30

TS. Alan T. Pham: Thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ sôi động hơn

Theo TS. Alan T.Pham, 70% nợ xấu của khối ngân hàng là nằm ở lĩnh vực bất động sản, nên việc giải quyết nợ xấu cần bắt đầu từ lĩnh vực này.
“Khó khăn vĩ mô đã chạm đáy trong năm 2012. Điều này cộng với việc đang có dư địa cho GDP năm 2013 tăng cao hơn sẽ hỗ trợ TTCK sôi động hơn trong năm tới…”, TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital nhận định.

Theo ông, đâu là dư địa cho GDP năm 2013 tăng cao hơn so với năm nay?

Nhìn lại năm 2012, có thể thấy, 3 chỉ tiêu cơ bản (GDP, lạm phát và tỷ giá) diễn biến khá tích cực, mặc dù GDP tăng trưởng hơi yếu. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy, điểm yếu này sẽ được khắc phục trong năm tới. Nhiều khả năng, GDP năm 2013 sẽ tăng 5,7% so với 5% của năm nay. Có khá nhiều dư địa để hiện thực hóa chỉ tiêu tăng trưởng này.

Đầu tiên phải kể đến diễn biến lạm phát thấp, khoảng 7% trong năm 2012. Đây là một trong những lý do quan trọng để Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm trần lãi suất huy động từ 9%/năm xuống 8%/năm, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để dần khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ngay cả khi cung tiền được đẩy mạnh trong thời gian tới, thì kết quả nghiên cứu cho thấy, lạm phát có thể tăng khoảng 10% vào giữa năm 2013 và giảm còn 8% vào cuối năm.

Tỷ giá VND/USD khá ổn định ở mức 1 USD = 21.000 đồng trong năm nay. Dự báo, VND chỉ mất giá so với USD khoảng 2% trong năm 2013. Cơ sở của sự ổn định này là năm 2012, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước đạt 23 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2011.

Nhưng dự trữ ngoại hối cao cũng phần nào phản ánh hoạt động của doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng đình đốn, bởi nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sụt giảm mạnh trong năm 2012?

Nhiều khả năng, năm 2012, Việt Nam sẽ xuất siêu. Trong bối cảnh nền kinh tế xuất khẩu chủ yếu dựa vào nhập khẩu nguyên, nhiên liệu, thì việc xuất siêu phần nào phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải. Tuy nhiên, ở góc độ ổn định tỷ giá, việc dự trữ ngoại hối tăng cao là một tín hiệu tích cực, góp phần quan trọng cho ổn định vĩ mô, qua đó dần tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Một thách thức lớn cho ổn định vĩ mô năm 2013 là giải quyết nợ xấu, bởi tiến trình này đang diễn ra chậm. Là chuyên gia có nhiều năm làm việc trong hệ thống ngân hàng của Mỹ, ông có khuyến nghị gì để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu?

70% nợ xấu của khối ngân hàng là nằm ở lĩnh vực bất động sản, nên việc giải quyết nợ xấu cần bắt đầu từ lĩnh vực này. VinaCapital đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này, nên đề xuất một phương án nhắm đến 2 mục tiêu: Gỡ bỏ nút thắt nợ xấu; tiếp đó là tạo ra nhu cầu nhà ở để giúp giải quyết lượng căn hộ rất lớn chưa bán được hiện nay.

Đầu tiên, Chính phủ sẽ thành lập một cơ quan (có thể là Công ty quản lý tài sản quốc gia - Government Asset Management Corporation, GAMC). GAMC có nhiệm vụ tháo gỡ tắc nghẽn nợ xấu và tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng được mua nhà. Ngoài số vốn được cung cấp ban đầu khoảng 100.000 tỷ đồng, GAMC sẽ mời thêm các NĐT từ khối tư nhân đang muốn mua lại các tài sản xấu tham gia góp vốn.

Những tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty bất động sản sẽ được đem ra đấu giá, để xác định giá trị thực của chúng thông qua các nguồn cầu của thị trường. Bằng việc đấu giá tương tự với mọi khoản nợ/tài sản đảm bảo, gánh nặng nợ xấu có thể dần được tháo gỡ. Nhờ đó, các ngân hàng và công ty BĐS có thể làm “sạch” bảng cân đối tài sản của mình. Đặc biệt, lúc này, các ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay mua nhà mới để tạo điều kiện khôi phục thị trường BĐS.

Bước tiếp theo là khôi phục thị trường bất động sản. Theo đó, GAMC sẽ chịu tránh nhiệm cung cấp bảo lãnh nhà nước cho mỗi khoản vay thế chấp của những người đi vay đáp ứng đủ yêu cầu mua nhà. Người mua phải là người sử dụng cuối cùng. Người dân chỉ được vay tiền mua một ngôi nhà. Thời hạn chế chấp có thể kéo dài đến 30 năm so với tối đa hiện tại chỉ 15 - 20 năm…

Trong dài hạn, GAMC có thể gộp các khoản thế chấp cá nhân để tạo thành MBS (chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp - Mortgage Backed Securities) và bán ra thị trường. Đây sẽ là nguồn quỹ cung ứng và hỗ trợ thêm cho GAMC, vượt trên lượng vốn khởi điểm 100.000 tỷ đồng. Cấu trúc kế hoạch đề xuất trên tương tự với Hiệp hội Thế chấp quốc gia liên bang của Mỹ (FNMA hay Fannie Mae)...

Ông tin là giải pháp trên sẽ phát huy hiệu quả, qua đó tác động tích cực đến ổn định vĩ mô, cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2013?

Để đề xuất trên được triển khai hiệu quả, cần được giao phó cho một đội ngũ quản trị hiệu quả. Đội ngũ này sẽ giám sát chặt chẽ và đảm bảo kế hoạch được thực hiện đúng đắn, đáng tin cậy theo nhiệm vụ được đề ra.

Với những tín hiệu chính sách, cũng như động thái điều hành của Chính phủ, đặc biệt là ưu tiên giải quyết nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản, vĩ mô trong năm tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định và giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện