Thứ Sáu | 01/06/2012 08:50

TS Alan Phan: Giá rẻ không phải là yếu tố hấp dẫn của một thị trường chứng khoán

Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa tại Hồng Kông và Thượng Hải cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam nếu có ảnh hưởng từ châu Âu, mức độ cũng không lớn.
Gần đây, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam được lý giải do tác động từ thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu có mối liên hệ nào giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán thế giới thì mức độ cũng rất ít.

Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có cách nhìn và chiến thuật đầu tư khá đặc biệt. Họ chủ yếu nhìn vào thông tin trong nước để ra quyết định. các yếu tố sự kiện kinh tế thế giới, vĩ mô quốc tế vẫn ít bị ảnh hưởng. Ngay nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường chứng khoán Việt nam cũng dựa trên thông tin có tính nội bộ để ra quyết định.

Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài và danh sách những gương mặt mới vẫn tăng lên. Tuy nhiên, tôi đánh giá số tiền mà họ rót vào thị trường chứng khoán Việt nam vẫn nhỏ. Điều này xuất phát từ quy mô thị trường Việt Nam còn nhỏ nhưng cũng do thị trường chứng khoán Việt nam chưa đủ sức hấp dẫn những dòng tiền thực sự lớn, thực sự bài bản.

So với một số thị trường chứng khoán khác, thị trường chứng khoán Việt Nam có P/E còn rẻ. Nhưng tôi cho rằng, giá rẻ không phải là yếu tố hấp dẫn của một thị trường chứng khoán. Vì có những thị trường chứng khoán như ở châu Phi chẳng hạn, rẻ hơn thị trường chứng khoán Việt nam nhưng ít người tham gia. Quan trọng là nhà đầu tư có nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ thị trường chứng khoán đó không. Nếu chúng ta lấy yếu tố rẻ để thu hút khách thì thị trường chứng khoán Việt nam sẽ không thể có những khách hàng chất lượng và lâu dài.

Tôi cho rằng, nếu không có những chuyển biến theo hướng nâng chất lượng hàng hóa, nâng tính minh bạch và công bằng trong luật chơi, thị trường chứng khoán Việt nam trong 1-2 năm tới vẫn chưa thể hào hứng.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện