Thứ Tư | 29/01/2014 09:29

“Truyền ngôi” cho vàng trang sức

Năm 2013 qua đi, có thể nói, lại thêm một năm thành công nữa với quản lý hoạt động thị trường vàng, mà vai trò “nhạc trưởng” thuộc về NHNN.

Những chuyện xếp hàng mua vàng, đầu cơ, làm giá… đã trở thành quá khứ. Với chính sách linh hoạt, kiên định, giờ đây cơ quan quản lý đang hướng đến một thị trường vàng trang sức giàu tiềm năng.

Thị trường “3 không”

Biến động mạnh, thậm chí bất thường là “bức tranh” của giá vàng thế giới năm 2013. Tuy nhiên, có điểm khác biệt so với vài ba năm trước là chiều giảm của giá vàng khá mạnh. Đầu năm, giá vàng thế giới ở mức 1.680 USD/oz, theo đó giá vàng trong nước ở mức mua vào 46,60 triệu đồng/lượng, bán ra 46,68 triệu đồng/lượng. Nhưng đến ngày cuối năm giá vàng thế giới chỉ còn mức 1.195 USD/oz, vàng thương hiệu SJC mua vào 35,02 triệu đồng/lượng, bán ra 35,10 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng trong năm 2013 đã giảm 485 USD/oz, vàng SJC giảm hơn 11 triệu đồng/lượng. Mặc dù, vào nhiều thời điểm, giá vàng cũng có tăng giảm bất thường, nhưng xu hướng giảm giá vẫn là chủ đạo.

Có thể nói, ngày 16/4 trở thành ngày “đen tối” của thị trường vàng trên toàn thế giới. Giá vàng giảm thấp nhất trong 3 thập kỷ qua khi mất giá tới 109 USD/oz, từ mức 1.455 USD/oz xuống 1.346 USD/oz. Chưa hết, ngày 26/6, giá vàng lại tiếp tục giảm xuống chỉ còn mức 1.250 USD/oz. Rồi sau đó, giá vàng cũng phục hồi dần và đã lập một kỷ lục về mức tăng giá vào ngày 19/9, khi tăng 50 USD/oz, mức tăng mạnh nhất trong 16 tháng qua (kể từ tháng 7/2012) khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên gói kích thích kinh tế lần 3 (QE3). Và đây cũng là sự “trỗi dậy” mạnh mẽ nhất của giá vàng trong năm 2013, để rồi kể từ tháng 10 giá vàng liên tục xuống dốc không phanh.


Đã không còn cảnh chen lấn mua, bán vàng như trước đây

Mặc dù giá vàng thế giới diễn biến phức tạp như vậy, nhưng thị trường vàng trong nước vẫn đảm bảo mục tiêu bình ổn mà NHNN đặt ra. Thị trường đã trở về “3 không”, đó là: không còn hiện tượng ”làm giá”, tạo sóng, thao túng thị trường để kiếm lời của giới đầu cơ; không còn những cơn "sốt" vàng và không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua, bán vàng như trước đây. Nhu cầu nắm giữ vàng miếng trong dân đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.

Đặc biệt, toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã được chuyển sang quan hệ mua, bán vàng, tình trạng "vàng hóa" trong hệ thống TCTD đã được xóa bỏ. Theo các chuyên gia, việc thực hiện thành công ”3 không” với thị trường vàng đã tạo bước tiến quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "vàng hóa” trong nền kinh tế.

Theo công bố của Google về danh sách tổng quan và độc nhất những sự kiện và xu hướng có sức ảnh hưởng nhất trong năm 2013 thông qua hoạt động tìm kiếm trên Google tại Việt Nam, những từ/cụm từ “giá vàng” được tra cứu nhiều nhất trên Google. Điều này cho thấy, sự quan tâm của người dân tới vàng còn lớn, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực, linh hoạt và kiên định trong mục tiêu quản lý thị trường vàng của NHNN trong thời gian tới.

Nắn dòng chảy sang trang sức, mỹ nghệ

Nói tới thị trường vàng năm 2013, không thể không kể tới “sự kiện” lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng, với phiên “mở hàng” diễn ra ngày 28/3. Với hình thức cung ứng vàng này, đến ngày 31/12/2013, NHNN đã đưa ra thị trường 69,9 tấn vàng miếng, trong đó có gần 30 tấn được các TCTD mua để chi trả cho khách hàng trước đây đã gửi vàng tại TCTD. Như vậy, nếu so với nhu cầu vàng tương đối lớn trong những năm trước đây, trung bình khoảng 60 - 100 tấn/năm, tính từ đầu năm 2012 đến nay, cung vàng miếng mới ra thị trường chỉ ở mức khoảng 33 tấn.

Thống kê của Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cũng cho thấy, chênh lệch trung bình về doanh số mua, bán vàng miếng trong một ngày giao dịch của các TCTD, DN kinh doanh vàng miếng cho khách hàng cá nhân đã giảm đáng kể so với trước đây, từ mức khoảng 8.500 lượng/ngày, đến nay chỉ còn khoảng 2.000 - 2.500 lượng/ngày. Điều này, cho thấy nhu cầu vàng miếng trong nước mặc dù vẫn còn, nhưng đến nay đã giảm đáng kể.

Sau khi thiết lập trật tự thị trường vàng miếng, các giải pháp trong thời gian tới của NHNN sẽ là các chính sách tạo cơ hội cho sự phát triển thị trường vàng trang sức. ”Mở hàng” cho hành trình ”truyền ngôi” cho vàng trang sức, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ông Đinh Nho Bảng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, trong lịch sử thị trường vàng trang sức trước đây, mới chỉ có quy định chung chung về tiêu chuẩn vàng Việt Nam nên còn nhiều bất cập. Do đó, Thông tư 22 thể hiện lần đầu tiên chúng ta ban hành hệ thống tiêu chuẩn về đo lường và chất lượng vàng trang sức, áp dụng với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ...

Khi áp dụng quy định này, các DN buộc phải tuân thủ nghiêm việc niêm yết giá bán theo đúng chất lượng, tuổi vàng in trên sản phẩm hoặc nhãn mác. Như vậy, người tiêu dùng sẽ mua được sản phẩm đúng với giá trị sản phẩm mà họ bỏ tiền mua.

Các chính sách hướng đến sự phát triển của thị trường vàng trang sức đã buộc các DN sản xuất kinh doanh vàng phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Ông Trần Nhật Nam – Phụ trách kinh doanh vàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, nhu cầu vàng miếng năm 2013 thấp hơn trong vòng 5 năm qua, ngược lại doanh thu từ bán vàng trang sức đang tốt dần lên. Do đó, DN cũng phải chú tâm nhiều hơn tới thị trường vàng trang sức.

Trước đây, các sản phẩm vàng trang sức của DN thường được chế tác với trọng lượng lớn từ 5-7 chỉ, thì nay trọng lượng giảm xuống chỉ vài ba chỉ. Cùng với đó, phải tạo ra nhiều mẫu hàng, giảm chi phí gia công, để người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để thị trường vàng trang sức phát triển, cần sự hỗ trợ về mặt chính sách trong giải quyết nguồn vàng nguyên liệu và vốn cho DN sản xuất, chế tác. Nguồn tin của Thời báo Ngân hàng cho biết, NHNN đang chuẩn bị ban hành một số thông tư, văn bản nhằm định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức. Đây là cơ hội để thị trường vàng trang sức có “đất diễn” và có thể “lên ngôi” trong thời gian tới.

NHNN cho biết, đến đầu tháng 7/2013, tất cả 18 TCTD có hoạt động huy động vàng đã hoàn thành việc mua đủ hơn 100 tấn vàng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng so với thời điểm ngày 30/4/2012. NHNN đang tiếp tục tăng cường giám sát việc các TCTD áp dụng các biện pháp cần thiết để đẩy nhanh việc tất toán số dư cho vay vốn bằng vàng trong thời gian tới.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện