Thiên Phong Thứ Hai | 22/08/2016 12:30

Truyền hình trả tiền lên ngôi

Tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền đạt 9.624 tỉ đồng tính đến cuối năm 2015.

Phải chăng sẽ không còn ai được xem tivi miễn phí nữa, sau khi sóng truyền hình cổ điển “analog” đã chính thức ngừng phát sóng? Với những ai đã từng xem tivi ở thập niên 2000 tại Việt Nam, hẳn sẽ còn nhớ ký ức tối tối phải xoay cây ăng-ten gắn ngoài trời để điều chỉnh bắt sóng cho tivi lên hình. Hay rớt sóng và có chất lượng hình ảnh xấu nên truyền hình analog đã chính thức ngừng hoạt động ở 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Trong tương lai, tất cả địa phương cũng sẽ được số hóa truyền hình theo đề án của Chính phủ.

Tuy nhiên, đây không phải là dấu chấm hết đối với những người chọn xem kênh truyền hình miễn phí. Thay vào đó, họ sẽ phải mua đầu chuyển đổi tín hiệu kỹ thuật số. Với người nghèo ở các địa phương, chính quyền cung cấp miễn phí thiết bị đầu cuối. Dù vậy, không phải ai cũng lựa chọn xem kênh miễn phí trở lại. Nhiều ngày qua, một số bộ phận chọn hẳn kênh truyền hình trả tiền. Thực ra, sự thay đổi lần này là nằm ở kỹ thuật phát sóng. Còn truyền hình quảng bá vẫn được cung cấp miễn phí cho người dùng.

Có thể thấy ngày càng nhiều người dùng chấp nhận trả tiền để được xem kênh truyền hình yêu thích, có thể là vì sự độc quyền cung cấp, hoặc vì hình ảnh đẹp, số lượng kênh nhiều và nội dung phong phú. Theo thống kê của Bộ Truyền thông và Thông tin, số thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam năm 2012 là 4,5 triệu thì đến hết năm 2015 là 9,9 triệu. Thị trường truyền hình trả tiền có sự tăng tưởng nhanh chóng, số thuê bao tăng thêm 20-25%/năm.

Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao nhiều nhà đầu tư vẫn nhảy vào lĩnh vực truyền hình trong thời điểm người dùng có nhiều lựa chọn để giải trí hơn tivi. Với quy mô tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỉ đồng tính đến cuối năm 2015, nhiều công ty cũng ồ ạt nhảy vào thị trường này từ trước đó rất lâu.

Truyen hinh tra tien len ngoi
Số thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam năm 2012 là 4,5 triệu thì đến hết năm 2015 là 9,9 triệu. Ảnh: Bảo Trọng

Lấy ví dụ là thương vụ đang gặp phải nhiều trục trặc Mobifone mua lại Truyền hình An Viên. Giá trị thật của An Viên đến đâu chưa rõ, nhưng thương vụ ngàn tỉ đồng này cho thấy tham vọng đeo đuổi lĩnh vực truyền hình của Mobifone. Trước đó, từ đầu năm 2016, Mobifone công bố mua lại An Viên và thay tên thành MobiTV. An Viên là thương hiệu truyền hình trả tiền tham gia vào thị trường vào cuối năm 2011, với công nghệ truyền hình số mặt đất và vệ tinh. Thị phần của An Viên thuộc vào loại thấp nhất trên thị trường, với khoảng 400.000 thuê bao, song Mobifone đặt mục tiêu rất cao khi phát triển 1 triệu khách hàng mới trong năm nay và nằm trong tốp 3 thị phần vào năm 2020.

Trên thực tế, Mobifone không phải là hãng viễn thông duy nhất có tham vọng lấn sân vào lĩnh vực truyền hình trả tiền. Cuối năm 2015, Viettel chính thức cung cấp dịch vụ này. Thực ra, Tập đoàn đã bắt đầu thử nghiệm sớm từ năm 2009 với công nghệ IPTV, tức xem tivi thông qua hạ tầng kết nối internet. Đây cũng là giai đoạn mà internet bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam và hiện nay còn phát triển mạnh hơn, khi công nghệ cáp quang ngày càng phổ biến, cho phép người dùng sử dụng băng thông rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, tức có thể xem được truyền hình một cách sắc nét hơn.

Có thể nhìn thấy cuộc chơi hiện nay của các công ty truyền hình trả tiền là cuộc lấn sân của những công ty hạ tầng internet. Không chỉ Viettel hay Mobifone, trước đây đã có dịch vụ truyền hình của VNPT và FPT. Công nghệ phát sóng và nhu cầu người dùng ngày nay đã thay đổi. Bật tivi lên ở nhiều loại thiết bị khác nhau (chứ không đơn thuần là tivi truyền thống), khán giả sẽ muốn xem ngay chương trình mình ưa thích, tức xem một cách chủ động chứ không còn thụ động. Một xu hướng phát triển mới là kênh xem truyền hình trả tiền theo yêu cầu (VOD). Từ đầu năm 2016, VTV Cab triển khai sản phẩm mới này. Trong khi đó, một tân binh khác là FIM+ cũng cung cấp dịch vụ VOD trong lĩnh vực phim ảnh.

Trên thực tế, cuộc chiến truyền hình trả tiền là cuộc chiến cạnh tranh về giá rất quyết liệt. Khi các hãng viễn thông nhảy vào, đã xuất hiện những phàn nàn từ phía các công ty truyền hình cáp truyền thống về những gói cước giá rẻ, nhờ những thuận lợi từ phía hạ tầng viễn thông. Do truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục dịch vụ mà Nhà nước phải quản lý giá nên giá cước vẫn phải tuân theo cơ chế thị trường. Thời gian qua, thị trường truyền hình cáp diễn ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, không chỉ các doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ tại các địa phương tố các doanh nghiệp lớn cạnh tranh kiểu phá giá, mà ngay các doanh nghiệp lớn như SCTV cũng lo ngại trước một dịch vụ truyền hình cáp analog với giá thuê bao chỉ 50.000 đồng/tháng. Cuộc cạnh tranh này đẩy nhiều dịch vụ truyền hình khác vào thế khó.

Là nhà đầu tư tư nhân, An Viên với bước đi giá rẻ về thị trường nông thôn, song số lượng thuê bao cũng không thực sự xuất sắc cho đến khi bán công ty. Thậm chí với kênh truyền hình phổ biến hiện nay là K+ cũng đang gặp nhiều khó khăn. K+ là liên doanh giữa VTV với Canal+ (Pháp), phát sóng theo công nghệ truyền hình số vệ tinh. Theo báo cáo của VTV, số lượng thuê bao hiện hữu của K+ là khoảng hơn 803.000 tính đến cuối năm 2015, với quy mô doanh thu 1.269 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cho đến hết năm 2015 K+ vẫn lỗ lũy kế 1.979 tỉ đồng. Theo lý giải của VTV, có 2 nguyên nhân quan trọng dẫn đến thua lỗ, một là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khi xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới mạnh về hạ tầng kỹ thuật và tài chính, hai là công ty này sử dụng đòn bẩy quá cao. K+ đã thành công trong bước đi tạo ra hình ảnh của mình. Bước đi của K+ là đặt ra mức giá thuê bao rất cao và cho dù lỗ, đơn vị này cũng kiên quyết giành lấy quyền cung cấp giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Truyền hình trả tiền vốn phụ thuộc nhiều vào nội dung độc quyền của chương trình. Song khoản lỗ ở K+ cũng cho thấy các món hàng độc quyền ở Việt Nam có giá cũng chưa cao cho lắm, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Thiên Phong