Thứ Bảy | 19/10/2013 17:03

Truy tố Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng

Ngày 18/10, Viện KSND tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn.
Để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với những vụ án nghiêm trọng cần sớm được truy tố xét xử, trong đó có vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (Vietinbank TP Hồ Chí Minh) đã chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng, ngày 18/10, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao đã ra cáo trạng truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như về hai tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP Hồ Chí Minh bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 21 bị can khác.

Trong số này có 13 bị can nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ và Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng cùng thuộc Viettinbank cùng Phòng Giao dịch Võ Văn Tần thuộc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh.

23 bị can trong vụ án này bị truy tố theo tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội.

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các cơ quan, đơn vị và cá nhân, Huỳnh Thị Huyền Như đã thuê làm giả 8 con dấu các đơn vị, công ty, sử dụng các con dấu này làm giả các giấy tờ chứng từ, hợp đồng và trả lãi suất cao để huy động tiền của các tổ chức, cá nhân, chiếm đoạt của 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân tổng số tiền gần 4.000 tỉ đồng.

Bị can Võ Anh Tuấn là người giúp sức tích cực cho Huỳnh Thị Huyền Như trong việc huy động tiền của các ngân hàng gửi thông qua một số công ty trách nhiệm hữu hạn. Biết Như giả mạo danh nghĩa Ngân hàng Vietinbank để huy động tiền, Tuấn đã tạo điều kiện cho Như thực hiện việc mạo danh Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) để huy động và chiếm đoạt gần 1.600 tỉ đồng của 4 công ty tư nhân. Trong quá trình huy động tiền của các đơn vị, cá nhân, Tuấn được Như chuyển cho 10 tỉ đồng qua Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Khải để Tuấn đầu tư xây dựng nhà máy lau bóng gạo tại An Giang. Số tiền này, Huỳnh Thị Huyền Như khai đây là số tiền thu lợi từ việc Tuấn đưa cho Như 500 triệu đồng để kinh doanh chứng khoán, bất động sản từ năm 2007, nhưng thực chất đây là số tiền Như lừa đảo chiếm đoạt được và chia cho Võ Anh Tuấn.

Đối với bị can Huỳnh Hữu Danh, nguyên nhân viên Ngân hàng Thương mại cổ phần quốc tế Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã làm thủ tục hồ sơ cho 12 cá nhân do Như giới thiệu đến Ngân hàng VIB TP Hồ Chí Minh vay hơn 480 tỉ đồng đã không làm đúng trách nhiệm kiểm tra, thẩm định tài sản đảm bảo; tin tưởng các xác nhận phong toả tài sản đảm bảo do Như chuyển cho dẫn đến để Như lừa đảo, chiếm đoạt 180 tỉ đồng. Hành vi của Huỳnh Hữu Danh phạm tội "vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Trong vụ án này, Viện KSND tối cao còn xác định bị can Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Mặc dù công ty của Phạm Anh Tuấn không có chức năng kinh doanh tài chính nhưng bị can này đã thoả thuận ủy thác đầu tư vốn và ký 15 hợp đồng ủy thác đầu tư gửi tổng số tiền gần 1.500 tỉ đồng, là tiền vốn đóng tàu để lấy lãi suất cao. Mặc dù hợp đồng ký gửi tiền với Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè nhưng lại thực hiện việc chuyển tiền vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoàng Khải mà không có sự kiểm tra, hưởng lợi cá nhân hơn 121 tỉ đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, dẫn đến Như chiếm đoạt 80 tỉ đồng.

Liên quan đến vụ án này, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" đã được tách ra trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên).

Về vật chứng và tài sản thu giữ trong vụ án, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ 8 con dấu giả của các ngân hàng nêu trên; kê biên, thu giữ tài sản các loại trị giá hơn 624 tỉ đồng; gần 157 nghìn euro, hơn 4,6 nghìn USD và thu giữ trên 217 tỉ đồng tiền mặt; 7 sổ tiết kiệm trị giá 30 tỉ; 4 xe ôtô trị giá 5 tỉ đồng; kê biên 20 bất động sản trị giá 361 tỉ đồng…

Vụ án này là 1 trong 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, số tiền chiếm đoạt rất lớn, liên quan đến nhiều cá nhân và đơn vị, cần phải được xử lý nghiêm trước pháp luật. Do vậy, cơ quan tố tụng đã giao vụ án này đến Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm trong quý 4/2013.

Nguồn CAND


Sự kiện