Ảnh: QH

 
Nguyễn Sơn Thứ Năm | 11/07/2019 08:00

Trường tư hút vốn đầu tư

Dòng vốn đầu tư đổ mạnh vào lĩnh vực giáo dục đang rất phát triển tại Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư các doanh nghiệp chưa niêm yết (private equity) tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam. Mới đây, quỹ đầu tư đang quản lý 5 tỉ USD tài sản Navis Capital Partners công bố thương vụ rót vốn vào chuỗi giáo dục TTCE của Tập đoàn Thành Thành Công.

Navis Capital không công bố chi tiết, nhưng theo kinh nghiệm của các thương vụ đầu tư trước đó, số tiền mà quỹ đầu tư này rót vào TTCE có thể vào khoảng 25-50 triệu USD. Theo đánh giá của Navis Capital, ngày càng nhiều tầng lớp trung lưu chọn môi trường tư để con cái mình học tập, mang đến cơ hội cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. “Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đang nhanh chóng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì sự tăng trưởng đó. Đẩy mạnh phát triển cơ sở giáo dục và đa dạng hóa cơ hội giáo dục để tiếp cận nhiều công dân hơn là mục tiêu đã đề ra của Chính phủ”, ông David Ireland, Giám đốc cấp cao của Navis Capital, nhận định.

Truong tu hut von dau tu
 

TTCE đang vận hành hệ thống đào tạo khá quy mô, hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học với quy mô 17 trường và các trung tâm dạy tiếng Anh, đi kèm kế hoạch mở thêm 4 trường trong 2 năm tới. Có thể kể đến các tên tuổi nằm trong hệ thống của TTCE như hệ thống mầm non TTC Elite, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Trung học phổ thông Trịnh Hoài Đức hay Đại học Yersin Đà Lạt.

Sự kiện gia nhập ngành giáo dục của Navis Capital Partners cho thấy chuỗi giáo dục theo mô hình chất lượng cao của Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt. Trước đó, Mekong Capital rót vốn vào chuỗi ngoại ngữ Yola hay EQT Capital Partners đầu tư vào chuỗi ILA.

Quy mô thị trường hơn 90 triệu dân mà 60% dân số là người dưới 35 tuổi khiến Việt Nam đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Theo tổ chức EVBN (mạng liên kết các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), trong quá khứ, các trường tư thường có chi phí đắt đỏ, không phù hợp với đại đa số người dân nhưng giờ quan điểm đó dần thay đổi. “Mức tăng trưởng gần đây về thu nhập khả dụng đã cho phép cha mẹ hỗ trợ tốt hơn cho con cái để có được kỹ năng và kiến thức cần thiết trong công việc”, EVBN nhận định.

So với các trường công lập đông đúc học sinh và giáo trình tương đối khô cứng, lợi thế cạnh tranh của mô hình giáo dục tư là sự linh hoạt, hiện đại và thường xuyên cập nhật kiến thức mới theo xu thế của thế giới cũng như chú trọng nhiều hơn vào huấn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên. Chính sách thu nhập hấp dẫn hơn cho giảng viên giúp nhiều trường tư thu hút được nhân tài hơn so với trường công.

Truong tu hut von dau tu
 

Khảo sát cho thấy học phí các trường tư ở Việt Nam đang dao động ở mức khá hấp dẫn. Trường trung học quốc tế Mỹ có học phí khoảng 6.286 euro/năm (khoảng 166 triệu đồng), trường quốc tế Úc là 11.909 euro. Ở bậc đại học, RMIT có mức phí cử nhân khoảng 10.226 euro/năm, mức tương ứng của Đại học Fulbright là 17.648 euro.

Quy mô thị trường giáo dục tư Việt Nam hiện vẫn chưa có những ước tính đáng tin cậy nhưng tiềm năng có thể lên đến hàng chục tỉ USD, tương tự như bài học phát triển của quốc gia tương đồng: Trung Quốc. Theo Công ty Tư vấn L.E.K Consulting, quy mô thị trường giáo dục tư nhân của quốc gia này đang bùng nổ với tốc độ 9% để đạt giá trị khoảng 330 tỉ USD vào năm 2020. Nhờ thời kỳ tăng trưởng kinh tế lâu dài nhất thế giới, người dân các đô thị ngày càng giàu có, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đang chuyển hướng gửi con em cho giáo dục tư nhân với tốc độ chưa từng thấy.

Nhu cầu về chất lượng giáo dục được thúc đẩy bởi 3 yếu tố là tìm kiếm lợi thế trong lĩnh vực siêu cạnh tranh, triển vọng quốc tế hóa và nhu cầu ngày càng mạnh mẽ đối với thương hiệu cao cấp. “Được thúc đẩy bởi mong muốn của người tiêu dùng về giáo dục đẳng cấp thế giới, các trường tư cung cấp giáo dục tiếng Anh và song ngữ đang lấp đầy một khoảng trống mà nhà nước chưa cung cấp”, đại diện L.E.K Consulting nhận định.

Giá trị thị trường của công ty đầu tư vào giáo dục không hề nhỏ. Cách đây nhiều năm, Trung Quốc chỉ có 2 trong số 15 công ty giáo dục lớn nhất thế giới thì ngày nay con số đó đã tăng lên 10. Trong đó, TAL & New Oriental đang nằm số các công ty giáo dục niêm yết lớn nhất thế giới với giá trị thị trường hơn 19 tỉ USD (năm 2018).

Truong tu hut von dau tu
 

Nếu phát triển đúng hướng và bài bản, thị trường giáo dục Việt Nam có thể sẽ đạt thành tựu tương tự. Nhìn thấy tiềm năng, các tập đoàn trong nước gần đây cũng gia tăng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Đơn cử như Tập đoàn FLC đang lập kế hoạch đầu tư trường đại học tại Quảng Ninh trị giá gần 4.000 tỉ đồng, Vingroup tiếp tục mở trường đại học VinUni, bên cạnh mở rộng chuỗi VinSchool. Đó còn là Đầu tư Phát triển Giáo dục Hutech thâu tóm tòa tháp DB Tower (Bình Thạnh) để phát triển thêm một cơ sở đào tạo đại học, Tập đoàn Đại Phúc xây dựng trường quốc tế đa cấp Emasi... Danh sách các nhà đầu tư lớn tham gia vào thị trường giáo dục còn có ITA, Nguyễn Hoàng, Kiến Á hay FPT.

Trước xu hướng mạnh mẽ này, chính sách cần được thiết kế trên cơ sở khích lệ tầm nhìn dài hạn cho các nhà đầu tư để hướng tới một nền giáo dục hiện đại và hiệu quả.