Thanh Tùng Thứ Hai | 20/08/2018 07:30

Trường Thành vẫn trường lỗ

Khoản lỗ mới đã làm tăng mức lỗ lũy kế của Công ty Cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF) lên hơn 1.926 tỉ đồng.

Lại tiếp tục lỗ nặng

Con số trên trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2018. Như vậy, các khoản lỗ đã ăn gần hết vào vốn góp của chủ sở hữu là 2.146 tỉ đồng. Nguyên nhân góp phần đẩy TTF lún sâu vào vòng xoáy lỗ là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 330 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi hoạt động kinh doanh có sự suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi lợi nhuận gộp là âm 69 tỉ đồng do doanh thu không bù được giá vốn.

Truong Thanh van truong lo
 

Ông Mai Hữu Tín, Phó Chủ tịch của Công ty, từng chia sẻ rằng TTF “sẽ còn phải trải qua nhiều đau đớn” trong quá trình giải quyết dứt điểm những di chứng của quá khứ. Động thái trích lập dự phòng các khoản phải thu lần này là một trong những bước đi để hiện thực hóa kế hoạch. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF tiếp tục giảm sâu (hiện được giao dịch ở mức giá 3.190 đồng trong phiên ngày 16.8).

Mục tiêu trong năm 2018 này của TFF là sẽ tiếp tục rà soát tồn kho, các khoản phải thu khó đòi. Kể từ đầu năm tới nay, khoản phải thu đã giảm rất mạnh, hơn 1.000 tỉ đồng. Trong đó khoản khó đòi, Công ty trích lập thêm 370 tỉ đồng. Các khoản phải thu theo tiến độ hợp đồng, Công ty đã thu hết, trong đó có 2 khách hàng là Vinhomes và Vinpearl.  

Ngoài ra, một vấn đề lớn khác của TTF là xử lý khoản tồn kho lên đến 1.861 tỉ đồng trong đó có 965 tỉ đồng nguyên vật liệu và sản xuất kinh doanh dở dang gần 697 tỉ đồng. Về vấn đề này, lãnh đạo TTF cho biết sẽ phân loại tồn kho thành nhóm nhỏ, tương đương chất lượng, cùng giá trị để dễ tiêu thụ hơn. Với những mặt hàng tồn kho đang bị ngân hàng nắm giữ, Công ty sẽ phải trả nợ trước khi lấy được lại để phân loại bán.

Việc thanh lý tồn kho cũng có thể tạo ra một khoản lỗ tiềm tàng khác cho TTF như ông Tín đã thừa nhận khi trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội cổ đông TTF năm 2017 về việc thanh lý khoản tồn kho. Ông nhận định: “Hàng tồn kho chưa thể nói con số chính xác về giá trị thu về nhưng chắc chắn số lỗ sẽ tăng lên”.

Truong Thanh van truong lo
 

Tuy nhiên, một nhà đầu tư khác lại nhận định với một doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu thì chuyện trích lập dự phòng để lấy vốn làm ăn cũng bình thường. Về tình hình kinh doanh, điểm sáng của TTF trong giai đoạn hiện nay là hợp đồng dài hạn với Vingroup với giá trị lên đến 16.000 tỉ đồng trong 5 năm theo dạng “năng lực của công ty đến đâu thì giao hàng đến đó”.

Liên quan đến vấn đề trích lập dự phòng, trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của TTF có một tình tiết với nội dung: “Ngày 21.12.2017, Nhóm Công ty và các cổ đông cá nhân (Nhóm cổ đông) đã thống nhất thông qua thỏa thuận nguyên tắc theo đó, Nhóm cổ đông đồng ý sử dụng hơn 40,3 triệu cổ phiếu TTF mà Nhóm cổ đông nắm giữ để đảm bảo khả năng thu hồi các khoản phải thu từ các khách hàng của Nhóm công ty với tổng số tiền là 290 tỉ đồng, bao gồm các khoản phải thu khách hàng, các khoản trả trước cho người bán và các khoản phải thu về cho vay”.

Theo diễn giải trong báo cáo tài chính, Nhóm Công ty đã không trích lập dự phòng với khoản phải thu được đảm bảo với số tiền 290 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu khoản trích lập mới nhất lên đến 370 đồng có liên quan đến khoản phải thu được đảm bảo hay không?

Còn phép mầu nào?

Lượng tồn kho lớn của năm 2008, được xác định là nguyên nhân làm Công ty phải chịu chi phí tài chính cao, giảm đi hiệu suất hoạt động không được giải quyết triệt để. Đồng thời, việc dùng vốn ngắn hạn để trồng rừng - vốn cần nguồn dài hạn để duy trì càng khiến cho dòng tiền Công ty thiếu hụt ngày càng trầm trọng. Cứ như vậy, tính đến cuối năm 2016, sau gần 10 năm với nhiều biện pháp được thực hiện, mầm bệnh nợ nần cùng hàng tồn kho vẫn đeo bám TTF cho đến hiện nay.

Ngoài những vấn đề đã nêu ở trên thì bài toán khó với TTF là nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Ban lãnh đạo mới của Công ty chủ trương thanh lý các khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả để thu hồi vốn. Điển hình là trong quý II, Công ty đã cắt lỗ khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần Phú Hữu Gia và Công ty Nông Lâm nghiệp Trường Thành với giá trị gần 58 tỉ đồng.

Truong Thanh van truong lo
 

Hiện tại, Công ty đang gánh khoản vay ngắn hạn từ các ngân hàng lên đến 396 tỉ đồng với lãi suất từ 8,5-12%. Ngoài ra, còn có khoản vay 500 tỉ đồng với một cá nhân là ông Bùi Hồng Minh từ ngày 31.12.2012. Hằng quý, Công ty phải trả một khoản tiền không nhỏ cho khoản vay này, như trong quý II vừa qua, phải trả thanh toán lãi vay lên đến 84 tỉ đồng.

Gánh nặng lãi ngân hàng, nhưng với việc phải trích lập dự phòng thêm trong quý II/2018 khiến TTF thành “quán quân lỗ” trên thị trường. Giá cổ phiếu của Công ty cũng đã giảm xuống mức thấp trong nhiều năm qua, khiến việc huy động vốn từ các cổ đông sẽ rất khó khăn. Trong đợt huy động vốn vào cuối năm 2017, TTF chỉ huy động được 700 tỉ đồng trong tổng mục tiêu 1.000 tỉ đồng đề ra.

Trong năm 2018, TFF đặt mục tiêu doanh thu 1.520 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 76 tỉ đồng. Với việc trích lập dự phòng vừa rồi và tình hình kinh doanh 2 quý đầu năm không bằng được cùng kỳ năm trước, TTF sẽ khó thoát lỗ trong năm 2018 này chứ chưa nói đến việc có thể hoàn thành được kế hoạch đã đề ra hay không.

Đây là điều đáng tiếc trong thời điểm ngành đồ gỗ Việt Nam đang có những con số tăng trưởng ấn tượng khi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hướng tới con số 9 tỉ USD trong năm nay