Trường Hải làm gì với 1,2 tỉ cổ phiếu?
Con số 1,2 tỉ là lượng cổ phiếu mà Công ty Sản xuất ô tô Trường Hải (Thaco) dự kiến sẽ phát hành để tăng gấp 4 lần vốn điều lệ lên 16.580 tỉ đồng. Mặc dù nguồn vốn để phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần, nhưng với lượng cổ phiếu phát hành khá khủng, nhiều nhà đầu tư đã đặt ra những câu hỏi liên quan đến viễn cảnh pha loãng cổ phiếu cũng như tỉ lệ cổ tức nhận được trong các năm tới.
GIA TĂNG ĐỘ HẤP DẪN CỔ PHIẾU
Cơ cấu sở hữu cổ đông tại Trường Hải hiện khá cô đặc khi ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty và người thân đang nắm giữ tới 65,3% tổng số cổ phần, tiếp theo là Jardine Cycle & Carriage (Singapore) với tỉ lệ sở hữu 25,10%, Công ty Đầu tư Xây dựng Hoàng Cường sở hữu 7,1%, còn lại thuộc về các cổ đông nhỏ lẻ khác. Như vậy, việc phát hành một lượng cổ phiếu lớn sẽ giúp các cổ đông bên ngoài có nhiều hơn các cơ hội sở hữu cổ phiếu của Trường Hải, gia tăng thêm độ hấp dẫn để sẵn sàng cho các chiến lược trong các năm tới.
Theo ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, về cơ bản có hai mục tiêu chính trong việc phát hành cổ phiếu: một là phát hành để huy động thêm vốn từ nhà đầu tư nhằm phục vụ mục tiêu mở rộng kinh doanh; hai là phát hành cổ phiếu để thưởng hoặc chi trả cổ tức.
Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn, điều kiện thị trường thuận lợi sẽ là nhân tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp có thể phát hành với giá tối ưu để tối đa hóa lượng vốn thu về cũng như đảm bảo sự thành công của đợt phát hành.
“Trong bối cảnh thị giá cổ phiếu Trường Hải đang rất cao, trên 180.000 đồng/cổ phiếu, tạo cảm giác giá cổ phiếu của doanh nghiệp này rất đắt và khó hấp dẫn nhà đầu tư. Do đó, Trường Hải chọn giải pháp phát hành cổ phiếu thưởng, được xem là giải pháp khá hợp lý mà nhiều doanh nghiệp có giá cổ phiếu cao hay áp dụng”, ông Viễn chia sẻ với NCĐT.
Như vậy, việc phát hành cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 1:3 là cách chia nhỏ cổ phiếu, giúp kéo thị giá cổ phiếu Trường Hải giảm tương ứng xuống mức rẻ hơn để thúc đẩy nhà đầu tư mua vào. Thông tin thưởng cổ phiếu cũng tạo ra hiệu ứng tích cực lên tâm lý nhà đầu tư, trong khi thị trường chứng khoán đang hưng phấn cũng sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu sau khi chia tách. “Tất nhiên, sức hấp dẫn của Trường Hải vẫn phụ thuộc chính vào triển vọng tăng trưởng và tính minh bạch của Công ty”, ông Viễn nhận xét.
THÁCH THỨC DUY TRÌ CỔ TỨC
2017 là năm khá thách thức cho Trường Hải. Áp lực thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc về 0% kể từ năm 2018 đang đè nặng lên các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước. Để giữ được thị phần, Trường Hải đã phải sử dụng chiến lược cạnh tranh về giá rất khốc liệt khiến cho lợi nhuận bị ăn mòn khá mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trường Hải ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 2.567 tỉ đồng, giảm khoảng 30% so với năm trước. Mặc dù trong Đại hội cổ đông đầu năm, Chủ tịch Trần Bá Dương đã thẳng thắn thừa nhận về thách thức của thị trường ô tô trong năm nay nhưng mức giảm lợi nhuận đáng kể nói trên chắc chắn tạo ra áp lực rất lớn cho các nhà lãnh đạo của công ty này.
Dễ thấy việc chia thưởng sẽ giúp cho Trường Hải giữ được nguồn vốn để phục vụ cho dự án đầu tư mới nhằm cạnh tranh được với các đối thủ ngoại sau năm 2018. Nhưng với lượng cổ phiếu gia tăng đột biến, liệu có dẫn đến nguy cơ pha loãng cổ phiếu cũng như lượng cổ tức bằng tiền mà các cổ đông nhận được trong các năm tới?
Theo ông Bạch An Viễn, trong trường hợp phát hành cổ phiếu nói trên của Trường Hải, rủi ro pha loãng hầu như không tồn tại vì đây là đợt phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, chủ yếu là làm tăng vốn điều lệ danh nghĩa và lượng cổ phần lưu hành trong khi giá trị vốn chủ sở hữu của Trường Hải là không thay đổi.
“Giả định Trường Hải giữ nguyên chính sách chi trả cổ tức và cổ đông không bán ra cổ phiếu thì giá trị thực nhận của cổ đông cũng không thay đổi sau khi chia thưởng vì bản thân số lượng cổ phiếu mà cổ đông có được cũng tăng thêm 3 lần”, ông Viễn nói.
Mặc dù có nhiều dự định lấn sân sang các mảng kinh doanh mới như nông nghiệp công nghệ cao, nhưng trong nửa đầu năm nay, Trường Hải vẫn dựa vào hai trụ cột chính là sản xuất - lắp ráp ô tô và kinh doanh bất động sản. Theo đó, doanh thu mảng ô tô chiếm tỉ trọng tuyệt đối 93% với giá trị 23.872 tỉ đồng, nguồn thu từ mảng bất động sản là 1.654 tỉ đồng. Dù vậy, tỉ suất sinh lợi gộp của mảng bất động sản lại khả quan hơn so với mảng kinh doanh ô tô (26,8% so với 18,5%).
Tính đến cuối tháng 6, Trường Hải đã đầu tư vào dự án Đại Quang Minh tại quận 2 với tổng số tiền 10.472 tỉ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.