Thứ Hai | 13/10/2014 08:37

“Trước tiên các doanh nghiệp phải hiểu biết về các hiệp định”

Trực quan cho thấy, sự quan tâm đúng mức về các hiệp định thương mại của doanh nghiệp là chưa có, tỉ lệ rất thấp, chỉ các DN xuất khẩu quan tâm.
Nếu doanh nghiệp (DN) không hội nhập được thì đây là lỗi của DN, nhưng một phần là trách nhiệm của Nhà nước, vì cạnh tranh và hội nhập không phải là việc riêng của DN nữa mà là uy tín và quyền lợi quốc gia. Đó là ý kiến của ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan.

Ông đánh giá như thế nào về việc nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại của các DN?

Hiện nay Việt Nam đang đàm phán để tiến tới ký kết các hiệp định thương mại quan trọng, sẽ tạo ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xâm nhập thị trường rộng lớn. Cơ hội này sẽ lớn hơn đối với các DNNVV vì DNNVV là khu vực tạo ra lượng sản phẩm lớn nhất.

Để hội nhập, trước tiên các DN phải hiểu biết về các hiệp định. Hiện nay hầu như DN chỉ biết thông tin qua đài, báo. Còn hiệp định mang lại cụ thể những lợi ích, luật chơi như thế nào thì DN chưa nắm rõ. Trực quan cho thấy, sự quan tâm đúng mức về các hiệp định thương mại của DN là chưa có, tỉ lệ rất thấp, chỉ có các DN xuất khẩu có sự quan tâm. Bên cạnh đó, DN còn vướng rào cản ngôn ngữ, đặc biệt là DNNVV.

Nếu DN không hội nhập được, bị thu nhỏ ngay cả trên sân nhà, ngày càng thui chột, thì là lỗi của DN. Nhưng một phần là lỗi của Nhà nước. Đây là trách nhiệm chung, vì cạnh tranh và hội nhập không phải là việc riêng của DN nữa mà là uy tín và danh dự, quyền lợi quốc gia. Vì vậy, đây là trách nhiệm của không chỉ DN mà còn là của Nhà nước, của các tổ chức hội đoàn, các tổ chức xã hội.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của việc DN thiếu hụt thông tin?

Nguyên nhân sâu xa là họ tiếp cận thông tin rất khó khăn, thông tin không đầy đủ. Trước hết do cơ quan chức năng chưa chú trọng tổ chức tuyên truyền một cách bài bản để DN nhận thức được tầm quan trọng của việc ký kết các hiệp định, đây là cơ hội của DN và và cả nguy cơ nếu không tham gia, giúp DN thay đổi nhận thức. Phương pháp tuyên truyền mới chỉ dừng ở thông tin chung, chứ không trang bị đủ kiến thức cần thiết cho DN bước vào hội nhập. Cuộc chơi thương mại quốc tế phải theo chung một luật, bình đẳng, được thua rõ ràng, vì thế DN phải được trang bị những kiến thức cần thiết để bước vào cuộc chơi này. DN hiểu cơ hội, nhưng nếu không đủ năng lực, hiểu biết thì sẽ không dám vào cuộc.

Về phía DN, nhiều DN đặc biệt là DNNVV thành lập trên nền tảng hiểu biết về pháp luật không được tốt, vì thế thấy thị trường rộng lớn, trong khi chưa được trang bị kiến thức về luật pháp quốc tế DN sẽ không tự tin. Và nếu không tự tin sẽ khó tham gia thị trường. Nhiều DN Việt Nam phản ánh họ rất sợ tính pháp lý khi giao thương quốc tế, sợ bị kiện, vì nếu bị kiện có thể trắng tay. Điều này trở thành nỗi ám ảnh với DN.

Vậy cách hiệu quả nhất để bù đắp sự thiếu hụt này là gì, thưa ông?

Trước hết, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Việc cần làm đầu tiên là chú trọng tuyên truyền mạnh mẽ cho DN. Nhưng phải làm một cách bài bản để các thông tin có thể "ngấm" vào DN với khả năng cao nhất. Muốn vậy phải phải đẩy mạnh tuyên truyền để các DNNVV thực sự coi trọng các hiệp định, coi đây là cơ hội để DNNVV thực sự phát triển.

Bên cạnh đó phải đào tạo, cung cấp kiến thức pháp lý về thương mại quốc tế cho DN. Thương mại quốc tế rất chặt chẽ, nhưng nếu chúng ta tìm hiểu kỹ và làm đúng thì sẽ không có nguy cơ gì, không quá khắt khe, vì ở các nước phát triển thương mại quốc tế rất minh bạch, sự gian lận, lắt léo, thủ thuật hầu như là không có. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần tập trung quảng bá hình ảnh hàng hóa, thương hiệu của Việt Nam. Đối với khu vực DNNVV, phải có cách tuyên truyền phù hợp, hiệu quả theo từng loại hình DN, từng vùng miền. Nhà nước phải tạo sự khích lệ, động viên DN, những rào cản phải nhanh chóng được gỡ bỏ, ví dụ như "tư duy xin cho"... Nếu chúng ta xóa được các rào cản, DN sẽ có nhiều cơ hội hơn, tỉ lệ DN hội nhập được sẽ cao hơn, và xét cho cùng thì đó là lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Về phía DN, kinh doanh là việc của DN, Nhà nước không làm hộ. Vì vậy, DN phải chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu thông tin về các hiệp định thương mại, phải dám nghĩ dám làm, dám đầu tư, vì đây là các cơ hội cho DN, không tận dụng sẽ rất uổng phí. Hiện nay nhiều DN Việt có chỗ đứng trên thị trường quốc tế và quan sát cho thấy, DN nào có XK, đặc biệt XK vào các nước phát triển thì sẽ tăng trưởng rất nhanh, số DN phá sản, giải thể là rất ít.
Ông có lời khuyên nào đối với các DN trong việc tập trung chuẩn bị cho hội nhập?

Tôi cho rằng Nhà nước nên định hướng cho DN, trên cơ sở đó DN có sự chắt lọc. Cá nhân tôi cho rằng các DN nên tập trung chuẩn bị cho Hiệp định TPP trước. Trong các quốc gia tham gia ký kết TPP, Việt Nam tuy là nền kinh tế yếu nhất, nhưng lại có cơ hội nhất. Ngoài ra, trong các nước tham gia TPP không có Trung Quốc, là quốc gia có tính tương đồng với Việt Nam. Quan trọng hơn cả là cơ cấu ngành hàng sản xuất của các nước tham gia hiệp định này có tính bổ sung cho nhau nhiều nhất, mạnh mẽ nhất. Điều này sẽ giúp các quốc gia tránh được sự cạnh tranh khốc liệt. Về nguyên lý, đây là thời cơ có một không hai trong vòng 60-70 năm tới. Hiện nay hiệp định này chưa được ký, điều đó cũng có cái lợi là DN sẽ có thêm thời gian chuẩn bị.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Báo Hải quan


Sự kiện