Ảnh: Qúy Hòa

 
Sơn Mai Thứ Ba | 18/08/2020 19:00

Trước cơn thuỷ triều, Thế Giới Di Động tìm át chủ bài bảo toàn lợi nhuận

Liện tục đổi mới là cách mà Thế Giới Di Động đang dùng để tìm ra những hướng đi giúp Công ty tăng trưởng doanh thu.

Thực hiện chuyển đổi và mở mới

Sau thời gian thử nghiệm nhưng không mấy hiệu quả, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đã ngừng mô hình điện thoại siêu rẻ và tập trung đầu tư mở rộng cho mô hình Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh theo hướng mở. Thiết kế mở được cho là nhằm thúc đẩy doanh số.

Chỉ cần tấp xe vào cửa, không cần bước xuống, khách hàng có thể mua được rau, củ quả hay gạo, đó chính là mô hình mở mà Bách Hóa Xanh đang đưa vào thử nghiệm, toàn bộ sản phẩm được trưng bày như tại các chợ truyền thống. Đây cũng là mô hình có quy mô lớn hơn so với trước và được kỳ vọng đạt doanh thu 5 tỉ đồng/tháng một cửa hàng thay vì 2-3 tỉ đồng như trước đây.

Theo lãnh đạo của MWG, mảng điện máy vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và mở mới; chuỗi Điện Máy Xanh Supermini đang triển khai cũng có kế hoạch để gia tăng thị phần điện máy. Điện Máy Xanh Supermini là nơi thị trường nhỏ mà các cửa hàng lớn không vào được, với diện tích 120-150m2 và có đủ các sản phẩm cơ bản.

Ảnh: MWG
Ảnh: MWG

Ông Đoàn Văn Hiểu Em CEO Thế Giới Di Động, chia sẻ đã thử nghiệm trên 25 Điện Máy Xanh Supermini với doanh thu 1,1-1,2 tỉ đồng/tháng, có chi phí thấp và lãi gộp tốt. Công ty có kế hoạch nhân rộng lên 300 cửa hàng tại 3 tỉnh miền Tây và 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, định hướng cho năm sau có thể đạt là 1.000 cửa hàng.

Nói về việc liệu có thay đổi kế hoạch kinh doanh, ông Nguyễn Đức Tài, chia sẻ thêm doanh nghiệp chủ trương tập sống chung với lũ và phải chiến đấu với các mục tiêu đã được đề ra. Cũng theo ông Tài, dịch COVID-19 như thủy triều và sẽ có nhiều đợt, công ty phải tập sống chung với điều đó và phải chiến đấu với các mục tiêu đã được đề ra.

MWG không có kế hoạch đóng các cửa hàng mà có chăng là chuyển đổi sang mô hình Điện Máy Xanh. Cụ thể, chuỗi TGDĐ năm nay sẽ điều chỉnh từ 1.000 xuống 800 cửa hàng, trong khi Điện Máy Xanh tăng từ 1.000 lên 1.300 cửa hàng do mô hình này bán được nhiều sản phẩm và gia tăng doanh số cao hơn.

Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, “Thị trường điện thoại đi xuống nhưng công ty tự tin dù thị trường có giảm thì vẫn có thể lấy thêm thị phần từ các đơn vị khác như VienthongA đã không trụ được...Mặt khác, công ty tăng thị phần bằng cách nâng chất lượng bên trong cửa hàng như mang về nhiều sản phẩm độc quyền hơn, nhiều sản phẩm đa dạng hơn”.

Giải pháp bảo toàn lợi nhuận

Làn sóng COVID-19 đã tạo ra ứng xử mới của người tiêu dùng, mức độ mua online nhiều hơn, ông Tài nhân định người tiêu dùng đã dịch chuyển nhiều hơn về các nhà bán lẻ uy tín bởi tâm lý các đơn vị này sẽ trụ vững qua khó khăn. Nói thêm về super app (siêu ứng dụng), Chủ tịch MWG cho biết, đơn vị đang có 3-4 website, tất cả các dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng rất phân tán nên công ty nổ lực kết hợp trong một nền tảng duy nhất (all-in 1) để có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn.

“Một super app theo cái kiểu mà các bạn cho là như một cây đũa thần có thể làm mọi thứ trong cuộc đời thì MWG chưa đến giai đoạn đó đâu. Thành ra nói về cổng thanh toán, AI, dữ liệu người tiêu dùng xem coi ông này đi đâu và mình bán được cái gì cho ổng… tất cả những cái đó chắc có lẽ để cho những người cần chém thì chém đi, Thế Giới Di Động không làm được”, ông Tài thổ lộ.

Sắp tới, MWG sẽ tập trung vào 2 mục tiêu là đưa dịch vụ giá trị gia tăng và tối ưu chi phí hoạt động. Cụ thể, theo ông Hiểu Em, “Hiện MWG mới kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng ở mức cơ bản như trả góp, thu chi hộ…đã có thể mang về khoảng 10.000 tỉ đồng và có phí khá lớn nên từ đầu năm đã tập trung khai thác. Tỷ lệ trả góp khi mua các sản phẩm điện thoại, điện máy khoảng 50% với lãi suất khá cao, do đó MWG muốn đứng ra tự làm để kéo lãi suất thấp hơn hoặc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi cho khách hàng”.

 

Bên cạnh đó, MWG chủ trương tối ưu hóa chi phí vận hành. “Hiện nhân viên chỉ thực hiện bán hàng trên 1 chiếc điện thoại thông qua app (ứng dụng) để có thể thực hiện giao dịch nhanh nhất, quy trình nhanh gọn nhất. Điều này có thể thấy doanh số các chuỗi này tuy không tăng nhưng lợi nhuận vẫn tốt từ đầu năm”, ông Hiểu Em chia sẻ.

Bên cạnh đó, tổng doanh thu chuỗi Bách Hoá Xanh năm nay được kỳ vọng sẽ đạt 22.000-23.000 tỉ đồng và có khả năng vượt chuỗi Thế Giới Di Động, đồng thời được kỳ vọng hết 2021 sẽ vượt cả chuỗi điện máy. Hiện chuỗi này đã có khoảng 12 cửa hàng mở mới và chuyển đổi. Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu vừa chuyển đổi vừa mở mới khoảng 100 cái trong năm nay và dự kiến 500 cái tại TP.HCM hết năm 2021.

Tính đến hiện tại MWG đang chiếm khoảng 50% thị phần điện thoại và 40% thị phần điện máy. Trong khi thị trường điện thoại đi xuống thì mảng điện máy vẫn còn nhiều cơ hội để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và mở mới và kỳ vọng tăng doanh thu.

Thế Giới Di Động: Giá trị của cân bằng