Đây là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành điểm đến trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Getty Images.

 
Phương Nguyễn Thứ Bảy | 25/11/2023 07:30

Trước cánh cửa Walmart

Lời đề nghị từ Walmart muốn xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa khu vực châu Á.

Mới đây, tại Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023, bà Andrea Albright, Phó Chủ tịch Điều hành, phụ trách bộ phận thu mua Tập đoàn Walmart, đưa ra một lời chào hàng đáng chú ý. Đó là Walmart đã thu mua từ Việt Nam hàng tỉ USD hàng hóa mỗi năm và trong thời gian tới, chiến lược của Tập đoàn là tập trung xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa khu vực châu Á.

Đơn hàng khổng lồ

Từ năm 2013 Walmart đã chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam với hàng trăm nhân viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm các nhà cung ứng, xây dựng và tổ chức hoạt động sản xuất các sản phẩm dịch vụ cung cấp vào hệ thống của Walmart trong tương lai.

 

Đặt mục tiêu tăng đơn hàng số lượng lớn từ Việt Nam cho thấy vấn đề của Walmart cũng như nhiều chuỗi bán hàng toàn cầu trong bối cảnh phải đối mặt với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng đã làm gia tăng sự phức tạp trong việc dự báo doanh số bán hàng và năng lực kinh doanh.

Với xu hướng này, không chỉ Walmart mà nhiều nhà bán lẻ lớn trên thế giới cũng đang tìm đường vào Việt Nam như Walmart, Amazon, Carrefour, Decathlon, AEON, IKEA, LuLu, Central Group... Một sự kiện thương mại gần đây tại TP.HCM đã đón đại diện của hầu hết các thương hiệu này với mục tiêu tìm kiếm nhà cung cấp hàng hóa từ Việt Nam.

Chẳng hạn, AEON đang có gần 2.700 nhà cung ứng hàng hóa tại Việt Nam, phục vụ cho việc bán hàng tại Việt Nam cũng như đưa hàng sang hệ thống bán lẻ của tập đoàn này tại Nhật. Theo AEON, sự ổn định trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn trên toàn cầu những năm qua có sự góp sức của các nhà cung ứng tại Việt Nam. Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AEON TOPVALU Việt Nam, cho biết AEON đang tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam để trở thành đối tác cung ứng bền vững không chỉ tại Việt Nam, mà còn trong hệ thống AEON TOPVALU toàn cầu.

Đây là cơ hội lớn để Việt Nam trở thành điểm đến trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu. Thực tế, Walmart không chỉ là nhà bán lẻ lớn nhất thế giới mà giờ đây còn thuộc nhóm doanh nghiệp lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường ước khoảng 442,81 tỉ USD, đứng thứ 15 trên thế giới (theo CompaniesMarketcap.com).

Hiện Walmart sở hữu tổng cộng 10.500 cửa hàng, mang 46 thương hiệu khác nhau tại 24 quốc gia, phục vụ khoảng hơn 230 triệu khách hàng mỗi tuần. Doanh thu nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại Việt Nam để bán trên toàn hệ thống của Walmart năm 2022 đạt trên 2 tỉ USD.Bà Andrea Albright cho biết, sắp tới 6 lĩnh vực mà Walmart mong muốn tìm đối tác bao gồm quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Nhưng không dễ đáp ứng

Mặc dù là cơ hội lớn nhưng cánh cửa bước vào Walmart không hề dễ dàng với doanh nghiệp Việt. Bởi vì có trên 95% nhà xuất khẩu của Việt Nam vào Walmart hiện nay là các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam. Chẳng hạn, với lĩnh vực dệt may là sản phẩm được nhà bán lẻ Mỹ mua vào nhiều nhất từ Việt Nam, nhưng chỉ có 3-4 doanh nghiệp Việt Nam vào được Walmart nhưng đều qua kênh gián tiếp.

 

Để có thể gia nhập vào chuỗi giá trị trị giá hàng tỉ USD của Walmart, ông Avineesh Gupta, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách nguồn cung hàng dệt may và hàng tiêu dùng nhanh của tập đoàn này, khuyến cáo: “Doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú trọng 3 vấn đề cốt lõi. Đó là xây dựng chiến lược với mục tiêu dài hạn; có giải pháp cho chuỗi cung ứng và logistics; nâng cao năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm”. Bên cạnh đó, vị đại diện Walmart cũng cho biết, những yếu tố quan trọng nhất khi đánh giá nhà cung cấp tại Việt Nam chính là năng lực, khả năng cung ứng, sự ổn định về tài chính, phát triển bền vững và tuân thủ cam kết về môi trường.

Chia sẻ về kinh nghiệm bán hàng vào Walmart, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long An Giang cho biết Công ty đã phải trải qua 4 lần kiểm định về nhà máy, tài chính, an ninh chuỗi cung ứng và trách nhiệm xã hội. Hay theo bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Nutifood, để đưa hàng vào Walmart ở Trung Quốc, công ty này phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao, Nutifood còn phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội...

Cũng như Walmart, dù đánh giá Việt Nam có thể trở thành nơi cung cấp hàng hóa lớn, nhưng các nhà bán lẻ quốc tế như AEON, Uniqlo, IKEA... đều khẳng định, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, giá cạnh tranh, sản phẩm còn phải đáp ứng quy trình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu đầu vào... 

Ngoài ra, kinh nghiệm từ những doanh nghiệp cung cấp hàng cho Walmart cũng cho thấy, với chiến lược giá hết sức chặt chẽ và yêu cầu cao đối với nhà phân phối, Walmart đã và sẽ làm thay đổi phương thức làm ăn kinh doanh ở bất cứ thị trường nào mà Tập đoàn hướng đến. Điều này đòi hỏi các nhà cung cấp Việt Nam phải giải cho được bài toán giảm chi phí sản xuất nhằm có giá cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác.

Đại diện cho các nhà sản xuất hàng dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cũng thừa nhận điểm yếu lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam là khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm. Hay dù thành công trong xuất khẩu nhưng ngành đồ gỗ Việt Nam vẫn thua thiệt trước các đối thủ lớn về xuất khẩu đồ gỗ trong khu vực như Indonesia, Thái Lan và Malaysia về chi phí lao động và chi phí sản xuất thấp. Chưa kể, ngành đồ gỗ và nội thất Việt Nam còn phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực vì cho rằng bước vào Walmart có thể mở ra nhiều cánh cửa khác khi xây dựng được thương hiệu tại thị trường Mỹ để đi khắp toàn cầu.