Trung Quốc trợ cấp ngành khai thác và chế biến đất hiếm
Chính phủ Trung Quốc cho biết, khoản tiền này sẽ được dùng để tài trợ cho các chính quyền khu vực trong việc chấm dứt hiện tượng khai thác trái phép đất hiếm, cải thiện hoạt động khai thác để bảo vệ môi trường và nâng cao hoạt động nghiên cứu phát triển.
Theo như chính sách mới, các nhà khai thác đất hiếm và chế biến đất hiếm sẽ nhận khoản trợ cấp 1.000 nhân dân tệ (160 USD) đối với mỗi 1 tấn quặng công suất khai thác, và nhận 1.500 nhân dân tệ đối với 1 tấn công suất chế biến.
Tờ Financial Times ước tính, khoản trợ cấp này vào khoảng 35-40 triệu USD/năm. Động thái này nhấn mạnh quyết tâm của chính quyền Bắc Kinh trong việc tái cấu trúc ngành công nghiệp đất hiếm, theo hướng mà nhà nước có thể kiểm soát chặt chẽ hơn về giá và nguồn cung.
Động thái này sẽ làm gia tăng hơn nữa những lo ngại từ phía Mỹ, EU và Nhật Bản. Suốt thời gian qua, việc Trung Quốc gần như độc quyền đối với ngành công nghiệp chiến lược này làm dấy lên sự phản đối từ phía châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Sự phản đổi càng mạnh mẽ hơn khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật trong bối cảnh hai nước có tranh chấp về ngoại giao năm 2010. Điều này dẫn đến việc Nhật Bản buộc phải đầu tư vào các mỏ đất hiếm ngoài Trung Quốc như ở Việt Nam, Kazakhstan, Ấn Độ để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nước này. Một vài mỏ trong số các mỏ mà Nhật Bản đầu tư sẽ đi vào hoạt động trong năm tới.
Chuyên gia đất hiếm nhận định, sản lượng đất hiếm ngoài Trung Quốc sẽ tăng gấp 10 lần trong vòng 5 năm tới, từ 6.000 tấn như hiện nay lên 60.000 tấn năm 2015.
Thị phần đất hiếm Trung Quốc trên thị trường thế giới đang mai một dần khi ngày càng có nhiều nguồn cung thay thế đến từ các nước khác, trong bối cảnh các nhà sản xuất đất hiếm Trung Quốc ngừng hoạt động và báo lỗ.
Nguồn FT/Khampha