Thứ Hai | 02/07/2012 15:11

Trung Quốc theo đuổi quyền lực thao túng giá dầu

Với sức tiêu thụ mạnh mẽ trong bối cảnh giá leo thang, Trung Quốc luôn hi vọng có thể kiểm soát giá hàng hóa thế giới đặc biệt là giá dầu.
Trung Quốc đang gia tăng vị thế một cách mạnh mẽ trong thương mại dầu thô thế giới. Tuy nhiên, dù đã trở thành quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chiếm 11,4% tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm ngoái, vai trò của Trung Quốc vẫn chưa đủ lớn để để thao túng được giá loại hàng hóa này trong giao dịch.

Trung Quốc đang cố gắng theo đuổi cái gọi là “quyền lực về giá”. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần lên kế hoạch mở giao dịch dầu thô kỳ hạn (hợp đồng kỳ hạn được dùng để xác định điểm chuẩn giá dầu thô). Quan chức nước này cho biết kế hoạch này cần phải được thực hiện sớm nhất có thể trong năm nay và hi vọng hợp đồng kỳ hạn của họ có thể cạnh tranh được với các hợp đồng dầu thô tại New York và hợp đồng dầu Brent tại London.

Vài thập kỷ qua, sức tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc tăng mạnh mẽ cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh giá hàng hóa nguyên liệu leo thang. Tuy nhiên quyền định giá hàng hóa lại thuộc về các thị trường ngoài Trung Quốc. Điều đó đã trở thành một bất lợi lớn đối với quốc gia này. Vì vậy, để có đủ khả năng quyết định giá hàng hóa, Trung Quốc cần phải nỗ lực để xây dựng các thị trường giao dịch kỳ hạn đủ uy tín.

Hiện nay có 28 loại hàng hóa giao dịch trên các sàn giao dịch của nước này. Khối lượng giao dịch cũng bắt đầu tăng mạnh vài năm gần đây, đặc biệt là giao dịch đồng kỳ hạn trên sàn Thượng Hải.

Tuy nhiên, các thị trường nơi đây vẫn còn hạn chế. Để duy trì được khả năng điều tiết tiền tệ của Bắc Kinh, các thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc gần như đóng cửa với bên ngoài và các nhà đầu tư nội địa cũng không dễ dàng tiếp cận được với thị trường thế giới. Điều đó khiến cho hợp đồng của các sàn giao dịch này trở nên kém minh bạch và uy tín, trong khi giao dịch các mặt hàng nông sản, năng lượng và kim loại toàn cầu lại được thực hiện ở Trung Quốc.

Một vài quan chức cũng đồng tình rằng, khi hệ thống tiền tệ càng được nới lỏng thì các thị trường hàng hóa sẽ trở nên minh bạch hơn.

“Giá hàng hóa ngoại trừ đồng trên thị trường nội địa hiện nay đều không phản ánh đúng nhu cầu thị trường thế giới và điều đó khiến Trung Quốc không thể điều khiển được giá hàng hóa”, ông Zhao Lei, chủ tịch của Citic Newedge Futures phát biểu.

Ông Zhao cũng cho biết theo một số liệu khảo sát, hiện nay tầm ảnh hưởng của Trung Quốc lên giá dầu thô chỉ vào khoảng 9%, điều đó có nghĩa là 91% giá dầu được quyết định bởi các thị trường ngoài Trung Quốc.

“Trong khi Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung hàng hóa trên khắp thế giới để phục vụ cho nhu cầu của người dân và nền kinh tế đang tăng trưởng thì nguy cơ lớn hiện nay chính là giá. Khi hợp đồng dầu kỳ hạn được đưa ra, Trung Quốc sẽ từ từ tăng được quyền kiểm soát lên giá dầu và tôi hi vọng điều này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”, Chủ tịch của Xinhu Futures, ông Ma Wensheng nhận định.

Nguồn WSJ/DVT


Sự kiện