Trung Quốc tăng nhập gạo không phải vì thiếu gạo
Các số liệu thống kê của Trung Quốc cũng như dự báo của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy tình hình lương thực ở nước này khá sáng sủa.
- Thứ nhất, sản xuất lúa nói riêng và lương thực nói chung trong những năm gần đây đã được khôi phục và Trung Quốc đang đứng trước triển vọng được mùa.
Các số liệu thống kê của Trung quốc cho thấy diện tích lúa của nước này năm 2013 vừa qua đạt 30,4 triệu ha, tăng nhẹ 263 ngàn ha và 0,9%. Đây là diện tích cao kỷ lục trong vòng 14 năm trở lại đây và tăng rất mạnh so với mức thấp kỷ lục cách đây hơn 10 năm.
- Thứ hai, các số liệu thống kê của FAO và USDA còn cho thấy, Trung Quốc là quốc gia đi đầu thế giới trong “tích cốc phòng cơ”. Theo ước tính của USDA, trong tổng dự trữ 111,2 triệu tấn gạo của thế giới năm 2013, riêng Trung Quốc chiếm 46,8 triệu tấn. Như vậy, nếu tính bằng ngày thì gạo dự trữ của Trung quốc đủ để tiêu dùng trong 117 ngày, trong khi phần còn lại của thế giới chỉ có 71 ngày.
Như vậy an ninh lương thực của Trung Quốc hiện đang tốt hơn gấp bội so với cách đây 10 năm và đang rất ổn.
Nguyên nhân tăng tốc nhập khẩu gạo
Việc Trung Quốc liên tục tăng nhập khẩu trong mấy năm vừa qua chủ yếu là do một số nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, với truyền thống sử dụng lúa gạo nhiều hơn hẳn lúa mì và “tích cốc phòng cơ” nổi tiếng, giá gạo thế giới rẻ là động lực thúc đẩy Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo.
Các số liệu thống kê cho thấy, cách đây hơn bốn thập kỷ, gạo chiếm 71,2% trong “rổ lương thực” của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này hiện “co lại” chỉ còn 53,9%.
Thực tế này cho thấy, tiềm năng sản xuất lúa gạo của Trung Quốc vô cùng hạn hẹp so với nhu cầu, cho nên nước này phải dựa vào lúa mỳ ngày càng nhiều.
Trong điều kiện như vậy, để thúc đẩy sản xuất lúa gạo nói riêng và lương thực nói chung, trong gần 10 năm trở lại đây, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ ngày càng lớn cho nông dân, nhưng những chính sách này cũng ngày càng khuyến khích gia tăng nhập khẩu.
Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tổng chi phí hỗ trợ cho sản xuất lương thực của Trung Quốc năm 2013 đạt 28,2 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp hơn 11 lần so với năm 2005.
Các số liệu thống kê khác của Trung Quốc cho thấy, nếu như giá bán lẻ gạo Japonica tại 50 thành phố lớn của nước này năm 2009 mới chỉ là 573 đô la Mỹ /tấn, nhưng liên tiếp hai năm sau đó tăng vọt lên 682 đô la và 835 đô la Mỹ, còn năm tháng đầu năm nay đứng vững ở mức kỷ lục 970 đô la Mỹ/tấn, tức là đã tăng 1,72 lần chỉ trong vòng ba năm.
Trong điều kiện giá gạo trong nước cao như vậy và giá lúa mì thế giới vẫn trong giai đoạn sốt nóng, việc có tới trên dưới 2,1 triệu tấn gạo của nước ta trong hai năm qua ùn ùn đổ vào Trung Quốc chỉ với giá 431 đô la Mỹ/tấn và 419 đô la Mỹ/tấn là điều rất dễ hiểu. Còn với hơn 900 ngàn tấn gạo nhập khẩu của nước ta trong bốn tháng đầu năm nay chỉ với giá 429 đô la Mỹ/tấn, chưa bằng một nửa giá trong nước, đó chính là nguồn động lực rất lớn để thị trường này “hút hàng”.
- Thứ hai, việc điều chuyển lương thực nói chung và gạo nói riêng từ vùng thừa sang vùng thiếu là câu chuyện từ ngàn đời nay của đất nước có lãnh thổ lớn gấp gần 30 lần của nước ta này, cho nên nhập khẩu gạo với giá rất rẻ là một mũi tên trúng nhiều đích của Trung Quốc.
Nếu năm nay Trung Quốc nhập khẩu 3 – 3,2 triệu tấn gạo đúng như dự báo của FAO và USDA, có khả năng chúng ta sẽ vẫn xuất khẩu được trên 2 triệu tấn sang thị trường này như hai năm qua. Mặc dù vậy, thực tế và triển vọng này không hề bắt nguồn từ việc an ninh lương thực của Trung Quốc đang bị đe dọa và phụ thuộc vào nguồn cung gạo của nước ta. Do vậy, trong điều kiện chúng ta đang “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ” như hiện nay, việc phòng ngừa thị trường này “giở quẻ” vẫn là điều hết sức cần thiết. |
Do vậy, với khoảng cách địa lý quá rộng, thay vì điều từ nơi thừa sang nơi thiếu với chi phí rất lớn, nhập khẩu gạo với giá rẻ từ Việt Nam không chỉ giúp Trung Quốc giải được bài toán kinh tế này, mà còn đáp ứng được nhu cầu “tích cốc phòng cơ”.
- Thứ ba, câu trả lời cho câu hỏi tại sao Trung Quốc lại giảm mạnh lượng gạo nhập khẩu trong hai tháng đầu năm, còn từ tháng 3 đến nay lại tăng tốc rất có thể chỉ là “ngón đòn tọa sơn quan hổ đấu” của các thương nhân nước này.
Họ đã không ít lần ký biên bản ghi nhớ mua nhiều triệu tấn gạo của Thái Lan, thậm chí còn đến tận nơi tham quan và khen chất lượng gạo tốt, nhưng rốt cục có lẽ vẫn chưa mua một tấn nào. Các thương nhân Trung Quốc chỉ ngồi yên coi Thái Lan vùng vẫy đại hạ giá gạo để chờ các doanh nghiệp của chúng ta buộc phải đua theo rồi mới vào cuộc.
Các số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, trong bốn tháng đầu năm nay, nước này mới chỉ nhập khẩu hơn 800 ngàn tấn gạo, giảm 29,2% so với cùng kỳ.
Do vậy, bước vào tháng 5, khi Chính phủ tạm quyền Thái Lan sụp đổ, hoạt động xuất khẩu gạo của nước này bị đình trệ, đồng thời cũng là lúc El’ Nino bắt đầu gõ cửa một số nước, giá gạo thế giới nhúc nhích tăng, các thương nhân Trung Quốc mới cấp tập nhập khẩu gạo để bù lại thời gian đã mất.
Nói tóm lại, nếu năm nay Trung Quốc nhập khẩu 3 – 3,2 triệu tấn gạo đúng như dự báo của FAO và USDA, có khả năng chúng ta sẽ vẫn xuất khẩu được trên 2 triệu tấn sang thị trường này như hai năm qua. Mặc dù vậy, thực tế và triển vọng này không hề bắt nguồn từ việc an ninh lương thực của Trung Quốc đang bị đe dọa và phụ thuộc vào nguồn cung gạo của nước ta. Do vậy, trong điều kiện chúng ta đang “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ” như hiện nay, việc phòng ngừa thị trường này “giở quẻ” vẫn là điều hết sức cần thiết.
Nguồn thesaigontimes