Thứ Tư | 20/02/2013 12:05

Trung Quốc tăng cường sản xuất dầu tại nước ngoài

Việc Trung Quốc tăng cường thâu tóm các mỏ dầu nước ngoài đang góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu.
Theo ước tính của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc có thể sẽ sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày bên ngoài lãnh thổ của quốc gia này vào năm 2012, gần gấp đôi sản lượng năm 2011 (1,5 triệu thùng một ngày) và tương đương với sản lượng dầu của Kuwait.

Trung Quốc, bằng các nỗ lực của mình đang mở rộng sản xuất dầu thô tại nước ngoài và có thể cạnh tranh với các nước thành viên OPEC như Kuwait, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất.

Fatih Birol, chuyên gia của IEA nhận định trên tờ Financial Times: "Trung Quốc sẽ là quốc gia sản xuất nhiều dầu thô nhất tại nước ngoài ". Ông này cũng cho rằng sự gia tăng nhanh chóng trong sản lượng dầu nước ngoài năm 2012 là nhờ các thương vụ mua bán và sáp nhập lớn mà Trung Quốc đã thực hiện.

Năm 2012, các tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc mua lại các công ty đối thủ nước ngoài với tổng giá trị các thương vụ lên kỷ lục 35 tỷ USD.

Theo Dealogic, các công ty như Cnooc và Sinopec đã dành 92 tỷ USD kể từ năm 2009 để mua lại các tài sản về dầu khí tại các nước trải rộng từ Mỹ sang Angola. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến các thương vụ liên doanh giữa các công ty Trung Quốc và nước ngoài.

Việc Trung Quốc tăng cường thâu tóm các mỏ dầu nước ngoài đang góp phần làm thay đổi ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu.

Một số chuyên gia e ngại Trung Quốc đang tăng cường thâu tóm các mỏ dầu trên thế giới chủ yếu để đảm bảo cho an ninh năng lượng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích từ IEA chỉ ra rằng các công ty dầu của Bắc Kinh chủ yếu bán dầu sản xuất được ra thị trường thế giới, thay vì chuyển dầu thô trở lại quốc gia mình. Các nhà chức trách Trung Quốc cũng cho hay không thể có chuyện chỉ bằng việc mua các công ty nước ngoài mà họ có thể đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ. Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Việc nắm bắt công nghệ khai thác dầu tân tiến thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập cũng là một lợi ích nữa mang lại cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro chính trị hơn, chẳng hạn như tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, buộc Trung Quốc phải phát huy hơn nữa vai trò chủ động trong những tranh chấp quốc tế.

Nguồn FT/KhamPha


Sự kiện