Trung Quốc tái khởi động đường ống dẫn dầu đi qua Myanmar
Một đường ống dẫn dầu từ Myanmar tới vùng Tây Nam Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động sau nhiều năm trì hoãn, cho phép quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ nhì thế giới nhập dầu nhanh hơn từ Trung Đông và Châu Phi.
Hôm 10/4, tàu chở dầu siêu trọng United Dynamic đã bắt đầu bơm dầu vào đường ống, tại đầu vào ở đảo Made của Myanmar. Đây là tàu cỡ Suezmax (loại lớn nhất có thể đi lọt kênh đào Suez), với sức chứa 140.000 tấn dầu thô (khoảng 1 triệu thùng). Tàu về đến Myanmar vào ngày 9/4 sau khi bơm dầu từ cảng Baku-Tbilisi-Ceyha ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 5/3, theo dữ liệu của Bloomberg.
Việc thi công đường ống đã được hoàn tất vào năm 2014, và ban đầu đường ống dự kiến đi vào hoạt động trong cùng năm đó. Tuy nhiên, tới giờ này thì nó mới bắt đầu hoạt động sau khi chính phủ Myanmar đồng ý giảm phí dẫn dầu, theo thông tin mà chủ tịch Wang Dongjin của PetroChina cho biết vào tháng trước.
Tian Miao, nhà phân tích tại North Square Blue Oak, nhận xét: “Điều này giúp đa dạng hóa các kênh nhập khẩu dầu của Trung Quốc”.
Sơ đồ đường ống dẫn dầu từ Myanmar tới Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg |
Đường ống này sẽ cho phép Trung Quốc nhập dầu thô từ Trung Đông và Châu Phi mà không cần vận chuyển bằng đường biển qua Malacca và Biển Đông, Đây cũng là một phần của đại kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (OBOR) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với mục tiêu xây dựng hạ tầng và hoạt động thương mại trải dài từ Châu Á tới Châu Phi và Châu Âu.
Fan Hongwei, một giáo sư quan hệ Quốc tế tại Đại học Hạ Môn vốn chuyên nghiên cứu về Myanmar, nhận xét: “Đây là một thông điệp cho những nước vẫn còn lưỡng lự rằng [OBOR] là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Trung Quốc và có thể đem lại nhiều lợi ích cho các nước tham gia”.
Đường ống dài 771km này đã bắt đầu vận hành thử vào năm 2015, với công suất tối đa là 22 triệu tấn dầu một năm (tương đương 442.000 thùng dầu/ngày). Myanmar có thể lấy ra 2 triệu tấn dầu thô mỗi năm từ đường ống này, theo Tân Hoa Xã.
Đối với Myanmar, lợi ích ban đầu sẽ là không nhiều, theo nhận xét từ Suresh Sivanandam, một chuyên viên nghiên cứu cấp cao ở công ty Wood Mackenzie. Nước này có thể lấy một lượng dầu nhỏ, cộng thêm tính phí từ việc trữ dầu và vận chuyển dầu. Ngoài ra kinh nghiệm xây dựng cơ sở hạ tầng từ phía Trung Quốc sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Myanmar sau này.
Myanmar được gì?
Ông Sivanandam cho biết: “Myanmar đang phát triển rất nhanh, và sớm hay muộn thì họ cũng cần thêm các dự án lọc dầu. Quá trình xây dựng hạ tầng năng lượng sẽ mang lại tác dụng trong dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa tăng lên”.
Điểm cuối của đường ống dẫn dầu này là thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam, nơi có nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc là PetroChina, với công suất lọc dầu 13 triệu tấn/năm (khoàng 261.000 thùng dầu/ngày). PetroChina đang thương thảo với công ty dầu Saudi Arabian Oil của Arab Saudi về việc đầu tư vào dự án lọc dầu kể trên, vốn sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 6.
PetroChina đã hoàn tất việc xây dựng nhà máy khoảng 6 tháng trước, và đang chờ dầu về để bắt đầu hoạt động, theo ông Sivanandam cho biết. Sẽ cần có 12 triệu thùng dầu được bơm vào đường ống trước khi việc vận chuyển bắt đầu.
Đa dạng hóa nguồn cung
Khi việc lọc dầu tại nhà máy mới của PetroChina bắt đầu, sản phẩm đầu ra sẽ được bán tại vùng Tây Nam Trung Quốc, thay thế cho sản phẩm từ các nhà máy lọc dầu ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc. Nhà máy mới cũng sẽ làm tăng xuất khẩu ròng sản phẩm lọc dầu của Trung Quốc, vốn đạt mức kỉ lục một tháng là 2,85 triệu tấn vào tháng 11 năm ngoái.
Hôm 10/4, Trung Quốc và Myanmar đã kí thỏa thuận về đường ống dẫn dầu cũng như là 8 biên bản hợp tác khác, sau cuộc thảo luận giữa ông Tập và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng 14% năm ngoái, đạt tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2010, chạm mức kỉ lục vào tháng 12 là 8,6 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc cũng có thêm một đường ống dẫn khí thiên nhiên qua Myanmar tới tỉnh Vân Nam, với công suất thiết kế 12 tỷ mét khối mỗi năm. Công ty mẹ của PetroChina, là Tập đoàn xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã bắt đầu nhập khẩu khí từ Myanmar vào năm 2013. Tổng lượng nhập khẩu từ nguồn này là 2,86 triệu tấn trong năm ngoái, theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, chiếm 5% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt của nước này.
Các công ty quốc tế như Total SA và Woodside Petroleum hiện đang thăm dò các vỉa dầu ngoài khơi Myanmar. Nước này có trữ lượng khí khoảng 530 tỷ mét khối vào năm 2015, tương đương 3,4% toàn khu vực Châu Á Thái Bình Dương, theo dữ liệu của hãng BP.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg