Chủ Nhật | 31/03/2013 10:27

Trung Quốc sẽ sớm thống trị ngành dầu khí Iraq

Theo Fatih Birol, chuyên gia kinh tế cấp cao tại IEA: "Baghdad - Bắc Kinh sẽ trở thành Con đường Tơ lụa mới của thương mại dầu khí toàn cầu".
Mười năm sau cuộc xâm lược Baghdad, các tập đoàn dầu khí Mỹ đang tháo chạy khỏi Iraq do môi trường đầu tư khắc nghiệt. Trái lại, Trung Quốc dù không hề tham gia vào cuộc chiến đẫm máu tại Iraq, lại đang ngày càng mở rộng quyền kiểm soát đối với những mỏ dầu khổng lồ của nước này.

Với trữ lượng dầu khí được phát hiện lớn thứ 5 thế giới, dễ dàng thăm dò địa chất và chi phí sản xuất thấp, Iraq từng được coi là một điểm nóng đầu tư trong ngành dầu khí toàn cầu. Khi kiểm soát Iraq vào năm 2003, Mỹ đã lên kế hoạch phục hồi các mỏ dầu lớn của Iraq và nâng sản lượng lên 1,5 triệu thùng/ngày. Các khoản đầu tư ồ ạt đổ vào Iraq, và trong tháng 8 năm ngoái, Iraq bơm hơn 3 triệu thùng dầu/ngày vào thị trường, vượt Iran thành nước sản xuất dầu lớn thứ 2 OPEC, lần đầu kể từ cuối những năm 80.

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh tại nước này ngày càng xấu đi: bất ổn chính trị an ninh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn thiếu đường ống dẫn dầu, các trạm bơm và kho chứa. Việc này khiến các tập đoàn năng lượng quốc tế tháo chạy khỏi Iraq.

Tuy nhiên, các công ty dầu khí Trung Quốc có vẻ không quan tâm nhiều đến vấn đề này. Chỉ hơn một năm sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chấm dứt chiến tranh Iraq, các tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã nổi lên như người chơi chính trên ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia Trung Đông.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đang hợp tác hoạt động 3 mỏ dầu phía nam nước này với sản lượng 1,4 triệu thùng/ngày - hơn 50% tổng sản lượng dầu Iraq. Trung Quốc và Malaysia có cổ phần lớn nhất trong các hợp đồng quốc tế, Abdul Mahdy al-Ameedi, một quan chức trong bộ Dầu khí Iraq cho biết.

Trung Quốc cũng đã có ý định mua lại cổ phần của ExxonMobil tại mỏ dầu West Qurna 1, nơi có trữ lượng trị giá 50 tỷ USD. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho biết thương vụ này mới đang trong đàm phán. Ngoài ra, cổ phần tại mỏ West Qurna 2 gần đó cũng có thể sắp được Trung Quốc mua lại. Mỏ này hiện được điều hành bởi tập đoàn Lukoil của Nga, nhưng đối tác của Lukoil là Staoil của Nauy đã rút lui khỏi dự án. "Đối tác mới tiềm năng có thể sẽ là Trung Quốc, nơi tăng trưởng nhu cầu ổn định", chủ tịch Lukoil cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Nga ngày 15/1/2013.

Trung Quốc tăng cường thâu tóm dầu khí Iraq

Iraq hiện đang sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến nâng sản lượng lên 8 triệu thùng/ngày vào năm 2035, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết. Đến thời điểm đó, khoảng 80% sản lượng dầu Iraq sẽ về tay Trung Quốc. Theo Fatih Birol, chuyên gia kinh tế cấp cao tại IEA: "Baghdad - Bắc Kinh sẽ trở thành Con đường Tơ lụa mới của thương mại dầu khí toàn cầu - dầu khí từ Baghdad và vốn đầu tư từ Bắc Kinh."

Trung Quốc có một lợi thế là chi phí khai thác thấp hơn so với các đối thủ, Wenran Jiang, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Alberta cho biết. Các nhà quản lý và kỹ sư Trung Quốc thường chỉ hưởng mức lương bằng 1/4 trả bởi các công ty dầu khí phương Tây. Iraq chỉ trả cho các nhà khai thác nước ngoài khoảng 2 USD cho mỗi thùng dầu khai thác được, với mức lợi nhuận này, các công ty dầu khí phương Tây khó có thể trụ lại. Vì thế, nhiều tập đoàn phương Tây đã chuyển hướng đầu tư sang vùng bán tự trị Kurds, nơi chia lợi nhuận hào phóng hơn.

Trung Quốc không có nhiều sự lựa chọn thay cho việc chấp nhận các điều khoản hợp đồng của Iraq, khi nước này cần tìm kiếm một nguồn cung cấp dầu ổn định. Dầu nhập khẩu hiện cung cấp cho gần 60% nhu cầu Trung Quốc và có thể lên 80% vào năm 2035, Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế học năng lượng Trung Quốc tại Đại học Xiamen cho biết.

Nguồn Business Insider,Bussiness Week/Khampha


Sự kiện