Gạo được đưa xuống tàu sau khi kiểm tra chất lượng
Trung Quốc sắp đánh thuế nhập khẩu gạo Việt lên 50%
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, thị trường này đang đưa ra nhiều chính sách mới đối với sản phẩm Việt Nam, như hạn chế tiểu ngạch và nâng thuế nhập khẩu.
Nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng cao
Theo Bộ Công Thương, Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc trong tháng cuối năm tăng cao bởi nhu cầu hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết cuối năm khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua vào.
Trong nhóm hàng thủy sản, do nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc đang ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, cá đóng hộp tẩm gia vị... Mặc dù, hiện nay Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư nuôi cá tra nhưng sản lượng còn ít, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này đang tăng cao.
Với mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực là gạo, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ cấu các mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm 2017 khi giảm gạo nếp, gạo trắng và tăng mạnh gạo thơm, gạo đồ.
Đáng chú ý, từ ngày 1.7.2018, thuế nhập khẩu với tất cả loại gạo nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chịu thuế suất ở mức 40%-50% (riêng tấm có thuế nhập khẩu là 5%).
Với mặt hàng rau quả, từ cuối tháng 10 đến nay, xuất khẩu các loại hoa quả trái cây vùng nhiệt đới sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đang gia tăng đáng kể. Lượng sản phẩm tham gia giao dịch đạt khoảng 1.500 tấn/tuần, tăng hơn 30% so với những tuần trước đó. Những sản phẩm như xoài, cam vỏ xanh, măng cụt, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm, hồng xiêm, sơ ri, nhãn da bò... đang tăng sản lượng vào thị trường Trung Quốc.
Thay thế nhiều chính sách mới
Theo Bộ Công thương, hiện nay kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8%/năm.
Các chuyên gia thương mại cũng khuyến cáo, dần thói quen nhập khẩu nông sản tiểu ngạch theo kiểu “cõng” hàng qua cửa khẩu sẽ được thay thế bằng nhập khẩu chính ngạch với các hàng rào kỹ thuật khắt khe.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hay theo đơn đặt hàng của phía bạn nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, bao bì, nhãn mác đúng quy định. Điều đáng nói là cần thực hiện thương mại điện tử để giảm chi phí và mở rộng thị trường một cách hợp lý, chi phí rẻ.
Vĩnh Hoàn cũng đã đẩy mạnh trực tiếp xuất khẩu sang Trung Quốc qua chính ngạch thay vì đi đường tiểu ngạch như vài năm trước đây. Trong khi đó, sản phẩm của Công ty Vinamit đang được ưa chuộng nhiều tại Trung Quốc nhưng nhiều sản phẩm của công ty đi theo đường tiểu ngạch nên khó kiểm soát sản lượng, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, chia sẻ.