Ảnh: EPA/TTXVN
Trung Quốc “phá giá” Nhân dân tệ: Xuất khẩu Việt Nam gặp khó
Ngày 05/08, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã bất ngờ giảm mạnh, vượt "lằn ranh đỏ" 7 Nhân dân tệ/USD. Như vậy, đồng Nhân dân tệ đang ở mức yếu nhất trong 11 năm qua. Việc Trung Quốc làm suy yếu đồng tiền của sẽ có tác động theo hướng bất lợi cho các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Bà Vũ Phương Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Damsan - một công ty chuyên về dệt sợi, cho biết trước đây mỗi tháng một doanh nghiệp của bà bán sang Trung Quốc khoảng 1.400 tấn sợi nhưng hiện tại số lượng sụt giảm mạnh. Thậm chí, trong tháng 9 tới, Damsan còn chưa ký được bất kỳ đơn hàng nào. Nguyên nhân do giá bán đã giảm mạnh không bù được chi phí sản xuất. Hiện nay, sợi chỉ bán được với giá 2,4 USD/kg thay vì 2,8 USD/kg như trước đây. “Hiện tại, chúng tôi không biết cả 2 bên [Mỹ và Trung Quốc] sẽ có những hành động nào để làm gia tăng căng thẳng hay không. Một khi căng thẳng gia tăng thì các mặt hàng chúng tôi sản xuất để đi thị trường Trung Quốc thì sẽ không tiếp tục được nữa", bà Diệp lo lắng.
Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp sợi, hiện nay, phía đối tác Trung Quốc đang ép giá doanh nghiệp xuất khẩu sợi từ Việt Nam, để giảm bớt thiệt hại từ biến động tỷ giá giữa đồng USD với đồng Nhân dân tệ.
Không chỉ các doanh nghiệp sợi, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang gặp khó do đồng nhân dân tệ giảm giá. Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản CAFATEX, Nhân dân tệ giảm so với USD, trong khi Việt Nam đồng ổn định thì có nghĩa Nhân dân tệ cũng giảm so với Việt Nam đồng. Như vậy hàng hóa của doanh nghiệp xuất đi sẽ gặp khó khăn, có thể phải hạ giá bán bởi doanh nghiệp có đồng vốn yếu, ít tiền, không bán hàng thì không quay tiền kịp trả nợ ngân hàng.
Dệt - sợi, nông sản, thủy sản là những ngành đang bị tác động do đồng Nhân dân tệ suy giảm. Ảnh: sggp.vn |
“Tình hình này, không biết có giữ được giá cá hay không. Một quốc gia nhập khẩu mà đồng tiền mất giá thì khả năng doanh nghiệp bán hàng giữ giá như cũ là khó”, ông Kịch nhận định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đồng Nhân dân tệ giảm giá trong khi Việt Nam đồng ổn định sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu. Hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung quốc sẽ đắt đỏ hơn. Điều này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam bởi các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ ép giá các doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, nếu Nhân dân tệ giảm giá quá mạnh, nhiều công ty Việt nhìn thấy biên lợi nhuận cao sẽ chuyển sang mua hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc để bán vào nội địa thay vì tập trung đầu tư máy móc, công nghệ để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa.
Trong khi đó, chuyên gia Kinh tế Đinh Thế Hiển đánh giá, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã gặp khó từ trước khi diễn ra đợt phá giá đồng Nhân dân tệ do hàng Việt Nam đang đắt lên, nếu quy chiếu tỷ giá USD; và hàng Việt Nam đang gặp khó khăn từ các quy định của Trung Quốc.
Theo đó, ông Hiển dự báo rằng cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra dự kiến sẽ còn gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua Trung Quốc, ảnh hưởng nhất là các doanh nghiệp nhỏ và hàng nông sản tiểu ngạch.
Đáng quan ngại nhất hiện nay đó chính là việc Mỹ sẽ gia tăng kiểm tra xuất xứ từ hàng Việt Nam xuất qua Mỹ sau khi chứng kiến nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam tăng vọt tỷ lệ thuận với sự sụt giảm xuất khẩu từ phía Trung Quốc.
Theo đó, một số công ty sử dụng bán thành phẩm từ Trung Quốc sẽ bị khó khăn, sẽ kéo theo tác động tiêu cực đến các công ty có liên quan trong kinh tế nội địa.
►Kịch tính xung quanh đồng Nhân dân tệ khiến Mỹ và Trung Quốc ngày một xa cách
►Diều hâu Peter Navarro: Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Trung Quốc hạ giá Nhân dân tệ
►Để Nhân dân tệ vượt lằn ranh đỏ, Trung Quốc không còn hy vọng về việc đạt thỏa thuận với Mỹ?