Trung Quốc muốn thách thức trật tự thế giới
Trên các phương tiện truyền thông thế giới, có các luồng ý kiến khác nhau về những hành động này. Một bên cho rằng Trung Quốc đang có chính sách xác quyết chủ quyền và thiên nhiều hơn về các hành động cứng rắn. Một bên cho rằng Trung Quốc đang có ý định thay đổi lãnh thổ về mặt địa lý - "bành trướng lãnh thổ" (territorial expansion).
Xét bối cảnh lịch sử, khái niệm "bành trướng lãnh thổ" luôn gắn liền với sự xuất hiện của những quốc gia, nhờ một số yếu tố nào đó, đạt được ưu thế về nguồn lực so với các nước khác. Những nước này không hài lòng với trật tự hiện tại, và tìm cách thay đổi phù hợp với lợi ích của mình, thường thì bằng vũ lực. Kết thúc của quá trình này là xung đột và chiến tranh, mà ví dụ gần đây nhất là Chiến tranh thế giới 2.
Liệu lịch sử có khả năng lặp lại đang vừa là câu hỏi, vừa là nỗi ám ảnh. Vì từ lúc Bắc Kinh mở cửa và cải cách, cuộc tranh luận của các học giả thế giới về một viễn cảnh "Trung Quốc mạnh" luôn bị chia rẽ bởi hai trường phái. Một bên cho rằng sự trỗi dậy của các quốc gia trong lịch sử đều mang tính quy luật, thể hiện qua công thức: mạnh về kinh tế, tăng cường quân sự, mở rộng ảnh hưởng - lãnh thổ, đòi quyền bá chủ. Trung Quốc như một sức mạnh mới của hiện tại và tương lai sẽ không ngoại lệ: Bắc Kinh sẽ không còn là một cường quốc nguyên trạng, và "bành trướng lãnh thổ" là chỉ dấu đầu tiên.
Quan điểm còn lại cho rằng Trung Quốc có thể là một trường hợp vượt qua những nguyên tắc thông thường của lịch sử. Tức là không chiến tranh, không xung đột, thậm chí vẽ ra viễn cảnh hợp tác và thịnh vượng. Việc chính phủ Trung Quốc kêu gọi "trỗi dậy (sau đó là phát triển) hòa bình" từ 2002, cùng với các chính sách hòa dịu, đón đầu, tìm kiếm hợp tác hơn là đe dọa và thách thức chiến tranh đã có lúc khiến người ta tin vào phát ngôn của nước này.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Sang
Khi vụ giàn khoan Hải Dương 981 xảy ra, những học giả Trung Quốc lên tiếng rằng "bành trướng lãnh thổ" là một ngôn từ xa với thực tế. Một mặt, họ vin vào lịch sử mà họ cho là "không chối cãi" của Trung Quốc tại biển Đông, với những bằng chứng từ mơ hồ thời Tống, thời Đường nào đó. Từ đó lớn tiếng rằng xác quyết chủ quyền là hành động hợp lý của một quốc gia bình thường.
Tuy nhiên, những hành động vừa qua của Bắc Kinh tại biển Đông, cũng như kinh nghiệm sâu sắc từ lịch sử cho thấy rõ ràng bản chất vấn đề là "bành trướng lãnh thổ", chứ không thể là xác quyết chủ quyền. Hơn nữa, nó được tiến hành theo cách thức thiếu văn minh, nguy hiểm và hoàn toàn đi ngược lại mọi quy tắc pháp lý được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Thứ nhất, sự kiện giàn khoan không chỉ là câu chuyện của bây giờ, nó đã bắt nguồn từ rất lâu, mà các sự kiện gần đây là vào 1974 và 1988, khi Trung Quốc mang tàu chiến đánh chiếm Hoàng Sa và Gạc Ma của Việt Nam. Đây là sự thật lịch sử, không thể ngụy biện như phía Bắc Kinh tuyên truyền. Lấy một việc sai quấy để biện minh cho một việc làm khác (cũng sai nốt) thì kết quả không thể nào đúng.
Hơn nữa, chủ quyền của một quốc gia thường được phân định bằng đường biên giới. Nó có kinh độ, vĩ độ, được đo đạc, phân định hay đàm phán với các nước xung quanh thông qua thỏa thuận hay dựa trên một quy tắc quốc tế nào đó. Cách TQ xác lập chủ quyền trên biển Đông đi ngược lại tất cả các điều kiện này. Bản đồ 9 đoạn trước đây không có kinh độ, vĩ độ, thì bản đồ 10 đoạn vừa được công bố càng cho thấy đây chẳng qua là một kế hoạch bành trướng lãnh thổ, bất chấp đó là đảo, đá, hay vùng biển lân cận.
Cuối cùng các hành động xác quyết gần đây đều lấy hình thức dân sự làm vỏ bọc. Nhưng đằng sau đó là xu thế sẵn sàng sử dụng vũ lực, thậm chí cả khi những hành động này gây nguy hiểm cho những người "tay không tấc sắt" từ các nước láng giềng. Những vụ đâm chìm tàu, bắt và xua đuổi ngư dân Việt Nam là bằng chứng sống.
Trung Quốc muốn thách thức trật tự thế giới, mà rõ ràng nhất là nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia. Trong khi bản đồ 9 đoạn, nói như một học giả Trung Quốc, là một sự ỡm ờ về mặt chiến lược để tạo lợi thế khi đàm phán, thì những hành động trên thực địa cho thấy một ý định khác rõ ràng hơn. Đó là tạo sự "đã rồi" bằng vũ lực và cưỡng chế, khi những rao giảng về mặt trận tuyên truyền đang gặp phải chống đối dữ dội. Từ đó hướng đến "bắt nạt" các nước có tranh chấp, từng nước một, và cuối cùng là một sự "kẻ cả" trong đàm phán khi Trung Quốc bỏ 9 làm 10, gia giảm những yêu sách của bản đồ 10 thành 9 hay 8 đoạn nhằm cho thấy đã có sự nhân nhượng từ nước lớn.
Như vậy, những gì đang và sẽ diễn ra trên biển Đông của Trung Quốc không thể gọi là hành động "xác quyết chủ quyền". Vì làm gì có một thứ chủ quyền vô giới hạn, dựa trên sự tự "huyễn hoặc" và ép người khác phải tuân theo bằng sức mạnh của cơ bắp. Đó phải là hành động "bành trướng lãnh thổ" bằng quân sự và vũ lực, đi cùng với tiếng "kèn trống" của giới dân sự, khoa học, và báo chí nước này.
Nguồn Vietnamnet