Trung Quốc là nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may quan trọng cho các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.
Trung Quốc mở cửa, dệt may hưởng lợi gì?
Chính sách Zero-COVID thời gian qua của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần không nhỏ khiến giá các mặt hàng tăng cao. Là một nước có nền kinh tế mở, các ngành nghề của Việt Nam thời gian qua cũng chịu ảnh hưởng từ chính sách này của Trung Quốc. Hiện nay, tín hiệu tích cực từ phía Trung Quốc khi quốc gia này dần nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022 và dự kiến sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023.
Trung Quốc là nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may quan trọng cho các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam. |
Theo đó, khi Trung Quốc mở cửa, nhiều ngành nghề của Việt Nam được sự báo sẽ hưởng lợi. Trong đó, Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) đánh giá Trung Quốc mở cửa có thể giúp tăng sản lượng xuất khẩu xơ sợi và khôi phục lại nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may.
Về nhập khẩu, Trung Quốc là nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may quan trọng cho các doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam. Tỉ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc đang có xu hướng tăng lên và chiếm khoảng 50% trong 11 tháng đầu năm 2022.
Tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao trên 50% trước khi sụt giảm trong 11 tháng đầu năm 2022 do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID một cách nghiêm ngặt. |
Trong năm vừa qua, có những thời điểm các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu do Trung Quốc phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19. Agriseco Research đánh giá việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp may mặc tiếp cận được với nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may dễ dàng hơn và với chi phí tối ưu hơn.
Về xuất khẩu, Trung Quốc mở cửa có thể giúp hoạt động xuất khẩu xơ, sợi tăng trở lại khi đây là thị trường xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này nhiều năm qua. Tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc luôn duy trì ở mức cao trên 50% trước khi sụt giảm trong 11 tháng đầu năm 2022 do Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID một cách nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, Agriseco Research đánh giá với việc xuất khẩu các mặt hàng may mặc, các doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ hay EU đang suy giảm do tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tình trạng đơn hàng sụt giảm đã xuất hiện từ quý III/2022 và được dự báo có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi trở lại.
Trong viễn cảnh dài hơn, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò không chỉ là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước mà còn là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới. Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn.
Lợi thế về chi phí lao động có thể không bền vững khi nhiều đối thủ khác đang nổi lên, do đó, ACBS cho rằng ngành cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về cải thiện tỉ lệ giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc/nguyên liệu nhập khẩu (mà vẫn phải đảm bảo an toàn môi trường), tăng sản phẩm có tỉ suất lợi nhuận cao hơn.
Có thể bạn quan tâm