Hải Vân Thứ Tư | 02/05/2018 08:54

Trung Quốc không còn là thị trường chất lượng thấp

Không còn là thị trường hàng chất lượng thấp, Trung Quốc là một thị trường đang phát triển, rất nhạy cảm với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2018 của doanh nghiệp ngành thủy sản là không dễ dàng ngay cả khi xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,28 tỷ USD, tăng trên 48%, giúp Trung Quốc vượt Mỹ trong Top thị trường nhập khẩu cá tra và tôm của Việt Nam.

Nhạy cảm hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm

Những con số về xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc của năm 2017 đã phần nào làm giảm những lo lắng về thị trường xuất khẩu năm 2018. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu nhập khẩu cá tra, là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản.

Tuy nhiên, vẫn rất khó phủ nhận một thực tế, xuất khẩu thủy sản vào EU đã tăng chậm trong hai quý cuối năm 2017 và tăng trưởng ở thị trường Mỹ đã không như kỳ vọng, chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm tới 3% so với năm 2016.

“Trung Quốc siết chặt hơn truy xuất nguồn gốc hàng hóa”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết.

Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển, rất nhạy cảm với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Hòe cho đây là điểm quan trọng hơn.

Theo quan sát của VASEP, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đang có nhiều bất cập vì quy định doanh nghiệp xuất khẩu phải nằm trong danh mục những nhà sản xuất thủy sản được phía Trung Quốc công nhận.

Thêm nữa, khả năng tăng trường kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá không còn nhiều do giá xuất khẩu thủy sản đã tăng khá tốt trong năm qua. Trong khi đó, chi phí của doanh nghiệp cho lãi suất, vận tải… vẫn ở mức cao, làm giảm tính cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu vào nước này. 

Người tiêu dùng Trung Quốc đã tìm kiếm những sản phẩm thủy sản nhập khẩu được chấp nhận tại thị trường Âu, Mỹ trong đó có sản phẩm cá tra Việt Nam, bất chấp những nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng cá tra thông qua thực thi các Thông tư của Ngành và Nghị định Chính phủ về xây dựng ngành cá tra phát triển bền vững.

Tình trạng gia công chế biến tràn lan cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Việc không quản lý chặt chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc đang gây tổn hại đến uy tín chất lượng cá tra Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu.

Cạnh đó, tình hình khan hiếm nguyên liệu trong nước đang là vấn đề của ngành cá tra. Nhất là khi thương lái Trung Quốc ra sức thu mua cá tra, bất kể chất lượng, đem gia công để xuất khẩu qua biên giới. Xinhua News cuối năm 2017 đã nêu những quan ngại về chất lượng cá tra Việt Nam và đề cập đến hiện tượng nhiều người Trung Quốc liên quan đến hoạt động buôn lậu cá tra.

Đàm phán "còn hạn chế"

Nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, với 1,4 tỷ người tiêu dùng, dự báo tiếp tục tăng, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thực thi chiến lược cải cách kinh tế với mục tiêu cắt giảm sản lượng công nghiệp, làm sạch môi trường, giảm tình trạng đầu cơ, kiềm chế tăng trưởng tín dụng.

Để đảm bảo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2018, ông Trương Đình Hòe cho biết, VASEP đã kiến nghị Chính phủ xem xét và chỉ đạo thực hiện quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế đối với mặt hàng thủy sản xuất khẩu đi Trung Quốc bằng đường bộ thông qua việc cấp, kiểm tra bắt buộc Chứng thư chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu.

Cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị Chính Phủ có chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc hiện nay để bảo đảm chất lượng thủy sản xuất khẩu.

Dù vậy, tăng xuất khẩu thủy sản vào Trung quốc vẫn là bài toán khó do doanh nghiệp ngành thủy sản. Cho nên, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp ngành này cần được định hướng, giúp đỡ để tránh những hậu quả như phụ thuộc thị trường, bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh không lành mạnh… tại thị trường Trung Quốc.

Trung Quoc khong con la thi truong chat luong thap


Theo số liệu từ Bộ Công thương, Trung Quốc, một thị trường có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, ghi nhận có tốc độ xuất khẩu tăng cao trong năm 2017, với mức 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD, trong khi Nhật Bản tăng 14,8% đạt 16,8 tỷ USD và Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỷ USD.Thế nhưng, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, tại Hội nghị về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu tuần trước ở Hà Nội, vẫn tin rằng các doanh nghiệp tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập.

Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Công thương cũng thừa nhận việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm “còn hạn chế”, dù vẫn khẳng định “đã làm tốt” công tác đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu trên thị trường ngoài, thông qua các FTA song phương và đa phương.