Trung Quốc khó đạt mục tiêu sản xuất khí đá phiến
Trung Quốc có trữ lượng khí đá phiến có khả năng chiết suất lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Canada và Mỹ cộng lại. Tuy nhiên việc đi vào hoạt động khai thác và phát triển khá chậm chạp. Chính phủ Trung Quốc cố gắng nâng tính cạnh tranh trong lĩnh vực khai thác này, thu hút đầu tư bằng cách bán đấu giá các khối đá phiến đã thăm dò được, nhưng không dự án nào được thương mại hóa thành công.
Ông Lin Boqiang, nhà kinh tế học năng lượng tại trường đại học Xiamen cho biết: "Khi mới bắt đầu thực hiện, chúng tôi nghĩ sẽ dễ dàng để đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, xét theo tình hình hiện nay thì thật không dễ để đạt được".
Là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, Trung Quốc hy vọng sẽ giảm sự phụ thuộc và các nguồn năng lượng nhập khẩu như dầu thô, than và khí đốt bằng cách khai thác trữ lượng đá phiến sét dồi dào của mình. Tuy nhiên, triển vọng ban đầu khó thực hiện do lĩnh vực này còn khá mới mẻ, thiếu cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, luật áp dụng cho việc sử dụng đường ống dẫn nhiên liệu và địa chất phức tạp khiến việc khai thác và chiết suất khí đá phiến khó khăn và đắt tiền hơn.
Một nguyên nhân khác ngăn cản dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này của Trung Quốc là do giá khí đốt được chính phủ kiềm hãm ở mức thấp trong nhiều năm qua. Tuần trước, nước này vừa phải tăng giá khí đốt sản xuất lên 15%, động thái này có thể góp phần tăng tốc độ phát triển khai thác khí đá phiến của Trung Quốc.
Trung Quốc mới chỉ khoan được khoảng 100 giếng khoan thăm dò khí đá phiến trong vài năm qua, trong khi Mỹ khoan tới 8.000 giếng mỗi năm. Sản lượng khí đá phiến của Trung Quốc năm ngoái chỉ đạt 500 triệu mét khối. Do vậy, các chuyên gia cho rằng việc tăng gấp 130 lần sản lượng khai thác này trong vòng 24 tháng để đạt được mục tiêu là điều hết sức khó khăn.
Nguồn Dân Việt/FT