Thứ Tư | 06/06/2012 16:10

Trung Quốc huỷ nhiều hợp đồng mua nguyên liệu

Các thương gia Trung Quốc đang trì hoãn hoặc phá bỏ nhiều hợp đồng mua quặng sắt và than đá khi dự trữ tại Trung Quốc tăng và giá giảm.
Cuối tháng 5 vừa qua, có ít nhất 6 tàu chở than từ Mỹ, Colombia và Nam Phi đến Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi việc phá bỏ hợp đồng.

Bên cạnh đó, các nhà máy thép Trung Quốc cũng đang trì hoãn việc mua quặng sắt, đặc biệt là từ Brazil. Các nhà buôn Trung Quốc đã tìm cách dừng nhiều đơn hàng kể từ tháng 10. Tương tự, các nhà buôn đồng ở Trung Quốc đang tái xuất các lô hàng cùng với việc trì hoãn nhận hàng mới.

Vậy điều gì đang thực sự diễn ra? Có hai giả thuyết. Một là các khách hàng Trung Quốc tìm cách phá hợp đồng kỳ hạn do giá giảm quá nhiều. Theo giả thuyết này, họ sẽ nhanh chóng ký lại các đơn đặt hàng mới như cách đã làm năm 2010.

Năm 2010, Bắc Kinh cho biết GDP tăng trưởng 10,4% và con số thực tế có thể cao hơn. Tuy nhiên, tình hình năm nay đã khác. Tăng trưởng tháng 4 gần như ở mức 0 và tháng 5 tình hình vẫn chưa sáng sủa hơn. Mức tăng trưởng sụt giảm có nghĩa là giả thuyết thứ hai gần với sự thực hơn, doanh nghiệp Trung Quốc không thể tiêu thụ hết chỗ hàng hoá đã mua.

Tại bến cảng Thanh Đảo, các nhà kho đầy đến mức công nhân phải xếp quặng sắt trong kho trữ lúa gạo. Tại Thượng Hải, đồng được để trong cả khu vực đậu xe.

Số lượng đồng được gửi trong kho bảo đảm của thành phố đã tăng gấp 2 lần so với mức bình quân 300.000 tấn của 4 năm trước. Zhang, nhà quản lý của một kho bảo đảm ở bến cảng Yangshan ở Thượng Hải cho biết vòng quay thời gian tồn kho của đồng trước đây là một hoặc hai tháng, nhưng giờ đã tăng lên ít nhất là 6 tháng.

"Các đơn đặt hàng mới đã chậm hẳn từ một năm trước đây. Khi nhu cầu quá yếu, chúng tôi phải thu hẹp hoạt động, đóng cửa bớt một số nhà máy và giảm ca làm", một nhà quản lý của một nhà máy lớn ở Trung Quốc chuyên sản xuất ống đồng cho biết.

Ngoài đồng, lượng quặng sắt tồn kho ở bến cảng Thượng Hải đang cao hơn 30% so với mức bình quân 74.000 tấn trước đây. BHP Billiton, nhà khai khoáng lớn nhất thế giới đã trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng đồng và quặng sắt để đáp ứng nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Những vấn đề này phản ánh tình trạng chung của ngành sản xuất Trung Quốc. Chỉ số Quản lý mua hàng theo tính toán của HSBC trong tháng 5 đã mạnh xuống 48,4 từ 49,3 tháng trước. Mức suy giảm mạnh nhất được ghi nhận là chỉ số của Hiệp hội mua sắm và hậu cần Trung Quốc, giảm từ 53,3 tháng 4 xuống còn 50,4 trong tháng 5. Mức biến động mạnh của chỉ số này đã khiến nhiều phân tích bất ngờ. 

Các nhà phân tích thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc đang rơi vào điểm đáy của chu kỳ kinh tế. Trong khi đó, chương trình kích thích kinh tế của Trung Quốc được công bố liên tục trong thời gian gần đây dường như không đủ để có một tác động kéo dài. Tuy một số biện pháp nới lỏng gần đây có thể làm tăng nhu cầu tiêu dùng nhưng tác dụng sẽ chỉ phát huy trong quý tới và trong ngắn hạn.

Nguồn Forbes/VnMedia


Sự kiện