Trung Quốc dùng thủ đoạn nguy hiểm mới trên hiện trường
Trung Quốc liên tục thay đổi thủ đoạn
Ông Ngô Ngọc Thu cho biết, Trung Quốc vẫn thường xuyên sử dụng từ 109-125 tàu thuyền các loại để bảo vệ giàn khoan, tiếp tục huy động từ 33-43 lần/chiếc tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo phục vụ cho giàn khoan, từ 30-40 tàu cá hoạt động ở vòng ngoài, tạo vành đai bảo vệ từ xa.
Đáng chú ý, trước đây Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải cảnh tốc độ cao để đâm va tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, nhưng việc sử dụng loại tàu này đâm va khiến mũi tàu dễ bị hư hại. Do đó, mấy ngày qua, Trung Quốc thay đổi thủ đoạn, liên tục sử dụng tàu kéo kèm chặt hai bên mạn tàu Việt Nam, tạo điều kiện cho các tàu khác đâm va. Đây là những loại tàu kéo công suất lớn, có hệ thống bảo vệ đệm va tốt, không bị hư hại.
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục sử dụng máy bay, trong đó có máy bay trinh sát, tiêm kích, trực thăng trên hiện trường, bay ở độ cao thấp từ 300-500 mét, uy hiếp tàu Việt Nam. Tàu cá Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp chèn ép, ngăn cản việc đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng đánh cá truyền thống, buộc ngư dân Việt Nam rời khỏi ngư trường.
Ông Ngô Ngọc Thu kiên quyết phản bác thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc không đưa tàu chiến đến khu vực giàn khoan. "Tôi khẳng định tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên có mặt tại hiện trường, có 6 loại là tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mìn, vận tải đổ bộ. Chúng tôi đã chụp được hình ảnh, đăng ký được tọa độ. Kể cả phóng viên trong và ngoài nước đều ghi được những hình ảnh này. Trung Quốc nói không sử dụng tàu quân sự là sai sự thật. Lời nói của họ không đi đôi với việc làm" - ông Thu khẳng định.
Việt Nam phản đối bản đồ "nuốt trọn" Biển Đông của Trung Quốc
Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cực lực phản đối việc Trung Quốc phát hành bản đồ khổ dọc, trong đó thể hiện "đường lưỡi bò" bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông, đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc.
Ông Lê Hải Bình cho biết, ngoài việc phát hành bản đồ "nuốt trọn" Biển Đông nói trên, Trung Quốc còn phát hành bản đồ địa hình Trung Quốc, khởi công xây dựng dự án trường học và hoàn thiện dự án nhà ở công cộng trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tiếp tục mở rộng, xây dựng và thay đổi nguyên trạng trái phép trên một số điểm tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép tháng 3.1988.
"Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định về lập trường của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên, tôn trọng luật pháp quốc tế, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), và không có những hành động tương tự trong thời gian tới.
Trung Quốc đơn phương thăm dò ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ
Người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay, ngày 21.6, cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan Nam Hải 09 đã di chuyển đến tọa độ 17 độ 14,1 phút vĩ bắc - 109 độ 31 phút kinh đông như Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo ngày 18.6. Tiếp đó, ngày 24.6, Cục Hải sự Trung Quốc tiếp tục đăng thông báo hàng hải số 14050 thông báo tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu Hai Yang Shi You 719 hoạt động ở Biển Đông từ ngày 23.6 đến 20.8.2014.
Khu vực mà giàn khoan Nam Hải 09 và tàu khảo sát 719 hoạt động thuộc vùng biển bên ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định.
Đáng chú ý, hành động này diễn ra ngay sau khi Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì sang Việt Nam, khiến dư luận quốc tế và Việt Nam hết sức lo ngại. Người phát ngôn Lê Hải Bình yêu cầu Trung Quốc không có hành vi làm phức tạp thêm tình hình, tạo không khí thuận lợi cho tiến trình đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ giữa hai nước.
Nguồn Lao Động