Trung Quốc dừng đấu thầu cũng không ảnh hưởng đến Việt Nam
Thưa Phó Thủ tướng, mới đây báo chí Trung Quốc có đăng tin Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo doanh nghiệp quốc doanh của nước này không đấu thầu các dự án mới ở Việt Nam. Động thái này có đáng lo ngại không?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Nếu các nhà thầu Trung Quốc không đấu thầu nữa thì sẽ có nhà thầu khác làm. Điều này không ảnh hưởng gì cả.
Thưa Phó Thủ tướng, với những diễn biến ở Biển Đông hiện nay, các chuyên gia lo ngại về tiến độ các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:Về nguyên tắc, hợp đồng mới phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa thì không sao, chúng ta tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác. Còn các hợp đồng nhà thầu Trung Quốc đang thực hiện với Việt Nam thì về nguyên tắc phải thực hiện theo đúng luật. Nếu không thực hiện đúng thì vi phạm hợp đồng. Vi phạm sẽ được xử lý theo điều khoản thương mại quốc tế (INCOTERM).
Chúng ta cứ theo đúng quy định để xử lý. Đến nay, chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy nhà thầu không thực hiện các hợp đồng ấy. Lao động Trung Quốc ở một số dự án bỏ về thì đã quay lại, việc đó chúng ta đã xử lý bình tĩnh theo pháp luật và trên cơ sở lợi ích hai bên.
Hiện nay hai nước đều là thành viên WTO nên mình cứ theo luật mà xử.
Nhưng Việt Nam là chủ đầu tư, nếu các dự án này ngưng trệ thì quyền lợi của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Khi đã là hợp đồng thì cả hai bên đều có quyền lợi như nhau, nếu bên này thua thì bên kia cũng thua, không có bên thắng bên thua. Nếu họ không thực hiện hợp đồng thì sẽ bị phạt và bị ảnh hưởng đến uy tín.Thứ hai là nguồn vốn họ cho các chủ đầu tư của Việt Nam vay, nếu họ vi phạm hợp đồng nữa thì chính họ là người chịu rủi ro chứ không phải là mình. Ở đây có quyền lợi của cả hai bên.
Nhiều người nghi ngờ có sự ưu ái nào đó nên các dự án do các nhà thầu Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam khá nhiều, ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Những dự án họ làm là hợp đồng tổng thầu (EPC), là những dự án họ trúng thầu trong những lô Việt Nam vay vốn ODA của WB hay ADB. Theo quy định thì phải đấu thầu quốc tế rộng rãi. Khi đã đấu thầu quốc tế thì bên nào thắng, bên đó làm.
Trung Quốc cũng là một thành viên của các tổ chức tài chính này nên họ có quyền đấu thầu như bất kỳ quốc gia nào khác và họ có thể thắng thầu. Khi thắng thầu, nhà thầu thực hiện hợp đồng phải làm đúng theo luật, theo quy định, nếu không làm đúng thì bị phạt theo hợp đồng. Người chịu trách nhiệm việc ấy là chủ đầu tư. Khi người ta chọn thầu rồi thì chủ đầu tư phải giám sát để đảm bảo tiến độ theo đúng hợp đồng.
Ngoài ra, đối với những hợp đồng EPC mà do các doanh nghiệp vay vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc, theo điều kiện vay vốn thì phải sử dụng EPC của Trung Quốc. Việt Nam có thể lựa chọn không làm EPC Trung Quốc thì không vay vốn từ đây nữa. Nếu vay thì phải theo luật của bên đó. Cũng như khi Việt Nam cho các nước khác vay vốn thì họ cũng phải theo quy định của Việt Nam. Ví dụ ODA do Việt Nam cấp thì phải do nhà thầu Việt Nam thực hiện. Đấy là hình thức rất bình thường.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo lắng về chuyện các dự án Trung Quốc thực hiện có nhiều rủi ro. Chính phủ đã có phương án gì cho các dự án này chưa, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chính phủ có phương án và doanh nghiệp cũng có phương án. Trong bất kỳ cuộc làm ăn nào cũng có rủi ro, nguyên tắc các doanh nghiệp phải có giải pháp để xử lý các rủi ro đó. Rủi ro có thể xảy ra nhưng không phải vì thế mà ngồi im, không làm gì.
Trường hợp phía Trung Quốc đang chuyển giao mà không chuyển giao nữa thì vi phạm hợp đồng, đương nhiên sẽ bị xử lý theo nguyên tắc hợp đồng.
Về điện cũng vậy, chúng ta luôn có phương án đảm bảo rủi ro, phải có các nguồn cung khác để bảo đảm nguồn điện của mình.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!/.
Nguồn Vietnam+