Trung Quốc đóng cửa rừng, Việt Nam lo thiếu gỗ
Năm 2017, Trung Quốc đóng cửa rừng tự nhiên tại 14 tỉnh. Theo đó, 50% lượng gỗ nguyên liệu thiếu hụt nước này sẽ phải nhập khẩu, trong đó phần lớn sẽ đến từ Việt Nam. Vì thế, nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã thiếu nay sẽ càng thiếu hơn.
Từ thiếu ít đến thiếu trầm trọng
Không chỉ mua gỗ của Việt Nam, doanh nghiệp gỗ Trung Quốc còn tràn sang các nước ASEAN tìm mua gỗ nguyên liệu. Nhưng nhiều nước khác cũng đang có chính sách bảo vệ nguồn gỗ trong nước. Bằng chứng là Lào và Campuchia, Myanmar đều có chính sách cấm xuất khẩu gỗ xẻ, gỗ rừng trồng và gỗ tròn. Việc này đã gây thiếu hụt nguồn cung và gia tăng áp lực cạnh tranh nguyên liệu gỗ cứng cho các nước có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.
Với số lượng khổng lồ đồ nội thất xuất khẩu và phục vụ cho tiêu dùng trong nước, Trung Quốc phải sang Việt Nam mua gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, tổng lượng gỗ nguyên liệu tiêu thụ trung bình 1 năm của doanh nghiệp gỗ Việt khoảng 24 triệu m3. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ước tính nguyên liệu gỗ sử dụng trong nước chiếm 28%, sản lượng nhập khẩu gỗ cũng khá lớn.
Với tiềm lực tài chính, quy mô sản xuất lớn, cộng với việc liên kết cùng nhau, các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc có tiềm lực rất mạnh. Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Tổ chức Forest Trends, xét về quy mô vốn, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên khó cạnh tranh. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chia sẻ, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã thành lập nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu hết các vùng có nguyên liệu gỗ cao su, keo, tràm, đặc biệt là Tây Nguyên. Có đến 90% nguyên liệu gỗ tại Tây Nguyên đã bị Trung Quốc mua và họ trả tiền trực tiếp. Thậm chí, họ còn mở xưởng xẻ gỗ ngay tại chỗ và thuê người Việt đi thu gom gỗ.
Nhiều thông tin cũng phản ánh thương lái Trung Quốc đang thu mua gỗ cao su với số lượng lớn ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, số liệu của Hải quan cho thấy số lượng nguyên liệu gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc không nhiều. Có thể, họ mua gỗ mang sang Campuchia dự trữ rồi đợi giá tăng và bán lại, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải mua với giá cao. Với kim ngạch dự kiến xuất khẩu năm 2020 vào khoảng 10 tỉ USD thì nguồn nguyên liệu gỗ còn thiếu là 4-5 triệu m3/năm.
Không chỉ cạnh tranh nguồn gỗ nguyên liệu, ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Chế biến gỗ Mtrade, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), cho biết: “Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Bình Dương và mang thành phẩm gỗ gần như hoàn thiện sang Việt Nam lắp ráp và phủ sơn. Mục đích của họ là muốn lấy C/O của Việt Nam, vì hiện nay họ không được cấp C/O sang thị trường Mỹ do bán phá giá. Họ cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam”.
Theo đánh giá chung, trong cuộc chạy đua với Trung Quốc, doanh nghiệp Việt hoàn toàn yếu thế. Sản phẩm xuất khẩu không thể cạnh tranh về giá vì Trung Quốc luôn có lợi thế nhờ sản xuất với quy mô toàn cầu. Thêm vào đó, họ có tài chính nên dễ mua nguyên liệu với giá cao hơn doanh nghiệp Việt. “Điều này có thể tạo nên khủng hoảng gỗ nguyên liệu tại các doanh nghiệp trong nước ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bình Định”, ông Đỗ Xuân Lập, chia sẻ.
Ngổn ngang tìm lời giải
“Dự báo kim ngạch xuất khẩu 2017 ngành gỗ khoảng 8 tỉ USD, tăng 9,6% so với năm ngoái”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, chia sẻ. Tuy nhiên, với gỗ rừng trồng hiện Việt Nam mới chỉ có 200.000ha được cấp chứng chỉ về quản lý rừng (FSC), chỉ chiếm 8% diện tích gỗ rừng trồng sản xuất cả nước. Trong khi đó, yêu cầu của thế giới trong năm tới phải có 100% gỗ chứng chỉ FSC và gỗ hợp pháp. Đây là một thách thức lớn cho doanh nghiệp gỗ Việt khi vừa phải tìm cách mua gỗ nguyên liệu và vừa phải tìm được nguồn gỗ hợp pháp có giấy tờ chứng nhận đầy đủ.
Trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ vốn đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam để hưởng lợi thì các doanh nghiệp gỗ Việt lại tồn tại quá nhiều điểm yếu. Mặc dù có vị trí và kim ngạch khá cao trong xuất khẩu sản phẩm nội thất gỗ nhưng Việt Nam vẫn chưa có một sản phẩm nào mang thương hiệu “Made in Vietnam”. Thêm vào đó, giá sản xuất của Việt Nam lại khá cao do quy mô sản xuất nhỏ và nhiều nhà máy còn sử dụng máy móc cũ chưa tạo giá trị cao. Đây là bất lợi lớn khi Trung Quốc có thể sản xuất với giá nào cũng được hay Malaysia có nhiều dòng sản phẩm giá rẻ hơn sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Đa số các doanh nghiệp chế biến tại Việt Nam chủ yếu làm việc thông qua người mua hàng đại diện chứ không tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến doanh nghiệp gỗ của Việt Nam thụ động khi tham gia thị trường. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, trung bình một doanh nghiệp gỗ Trung Quốc có thể sản xuất mỗi ngày 20 container gỗ nội thất, điều mà doanh nghiệp Việt khó có thể làm được. Thậm chí, họ còn không tốn nhiều chi phí lưu nguyên liệu trong kho nên tiết kiệm rất nhiều chi phí sản xuất.
Ngoài những ý kiến cho rằng ngành gỗ Việt nên có những chiến lược liên kết bền vững với nông dân để trồng thêm nguyên liệu gỗ, ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ: “Muốn có nguồn nguyên liệu ổn định thì phải liên kết và có hỗ trợ người trồng rừng”. Công ty Scansia Pacific hỗ trợ một nửa chi phí cho người trồng rừng với mục đích tạo mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người trồng rừng.
Bà Cao Trang, đại diện Công ty B Connect, một đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu gỗ rừng trồng từ Mỹ, cho biết: “Doanh nghiệp Việt nên có kế hoạch mua hàng rõ ràng từ khách hàng, mới mong ổn định nguồn nguyên liệu”. Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam chưa có kế hoạch mua hàng kéo dài trong 1 năm nên khó phát triển được nguyên liệu gỗ.
Theo bà Trang, các doanh nghiệp nên bình tĩnh ngồi lại với nhau và tìm những nguồn gỗ nguyên liệu thay thế cho gỗ tự nhiên như ván công nghiệp, các loại gỗ biến tính (một số thương hiệu Accoya, diamondwood, evowood, polywood, biowood…). Đây là nguyên liệu mới sẽ thay thế nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên mà nhiều nước trên thế giới đã sử dụng. Tín hiệu vui mừng là Công ty Gỗ An Cường cũng đã thành công khi sử dụng loại nguyên liệu này trong sản phẩm.
Thanh Hương