Vân Nguyễn Thứ Năm | 24/01/2019 09:38

Trung Quốc đổi chính sách: Xuất khẩu rau quả, gạo, thịt heo sẽ khó

Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch để ứng phó với những thay đổi chính sách của Trung Quốc.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bản tin thị trường phát đi hôm 23.1, cảnh báo, xuất khẩu các sản phẩm rau quả, gạo và thịt lợn sang Trung Quốc dự báo “trong năm 2019 sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Theo quan sát của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, các chính sách tăng thuế đối với mặt hàng gạo, thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh chính ngạch và những thay đổi về tổ chức quản lý bên phía Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Trước thực trạng này, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản khuyến cáo: “Các ngành liên quan và các doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch để ứng phó với những thay đổi chính sách của Trung Quốc”.

Gạo

Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho thấy, lúa gạo Lượng gạo xuất khẩu tháng 12 năm 2018 ước đạt 414 nghìn tấn với giá trị đạt 203 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt 6,1 triệu tấn với giá trị 3,04 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017.

Trung Quoc doi chinh sach: Xuat khau rau qua, gao, thit heo se kho

Thế nhưng, trong 11 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 23,7% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 1,31 triệu tấn và 670,3 triệu USD, giảm 42,9% về khối lượng và giảm 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu gạo Jasmine và gạo thơm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 24%. Đồng thời là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 82% tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam. Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Papua New Guinea (56%) và Trung Quốc (12%).

Rau quả

Thị trường trái cây của Việt Nam năm 2018 có nhiều thuận lợi, sản lượng nhiều loại trái cây như vải, nhãn, cam, xoài, chôm chôm… đều tăng cao so với các năm.  Tuy nhiên, đầu ra vẫn phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2018, Trung Quốc ngày càng siết chặt quản lý nhập khẩu, thậm chí đóng cửa nhiều tuyến cửa khẩu xuất tiểu ngạch. Do đó xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2018 không thể tăng mạnh như những năm trước.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12 năm 2018 ước đạt 291 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018 với 73,3% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 2,58 tỷ USD, giảm 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Mười một tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 24,7% trong 11 tháng đầu năm 2018, chỉ sau Thái Lan chiếm 40,2% thị phần.

Thị trường rau quả đang khá sôi động chuẩn bị cho những dịp lễ Tết cuối năm. Thị trường chính xuất khẩu vẫn là sang Trung Quốc, hiện các cơ quan quản lý đang thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm trái cây, trong đó có sầu riêng.

Tuy nhiên, nhiều nhà vườn tại một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, như Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang đang hết sức lo lắng khi sầu riêng chín rộ nhưng thương lái chậm thu mua, giá giảm một nửa so với trước đây. Hồi đầu tháng 12.2018, giá thương lái thu mua sầu riêng là 48.000 đồng/kg, dù đã tăng lên 54.000đ/kg vào dịp cuối tháng này, nhưng vẫn thấp hơn so với năm ngoái ở mức 80.0000 đ/kg.

… và thịt heo

Trung Quốc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi (ASF) ngày càng nghiêm trọng và nhu cầu tăng khi dịp tết Nguyên đán đang tới gần. Trước đó, vào cuối tháng 12.2018, Trung Quốc thông báo có trên 90 ổ dịch xuất hiện tại 23 tỉnh, khiến hơn 630.000 con heo buộc phải tiêu hủy.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc cũng mới phát hiện virus ASF trong sản phẩm thịt lợn chế biến vào ngày 24 tháng 12. Tình hình này khiến Malaysia phải ban hành lệnh cấm nhập khẩu tạm thời các sản phẩm thịt heo 6 nước có dịch, còn Thái Lan đã tăng cường các biện pháp kiểm soát đối với sản phẩm thịt heo nhập khẩu.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho rằng chăn nuôi heo năm 2018 phục hồi do giá bán tăng, người chăn nuôi có động lực để quay lại đầu tư tăng đàn. Tính đến tháng 12.2018, đàn heo cả nước tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá, trong đó sản lượng thịt heo đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2%.

Tình hình xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam trong năm 2018 đã đạt được một số kết quả tích cực. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12 năm 2018 ước đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2018 ước đạt 546 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quoc doi chinh sach: Xuat khau rau qua, gao, thit heo se kho

Nhìn chung cả năm 2018, giá heo hơi biến động tăng trong 9 tháng đầu năm và giảm trong 3 tháng cuối năm. So với thời điểm cuối năm 2017, giá heo hơi tại miền Bắc tăng 9.000-15.000 đ/kg. Giá heo hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng 16.000 – 17.000 đ/kg. Giá heo hơi tại miền Nam tăng 22.000 – 25.000 đ/kg.

Trên thực tế, mức giá trên đã giảm nhưng vẫn được đánh giá là cao so với nhiều nước trong khu vực. Điều này, sẽ gây bất lợi cho thị thường thịt heo thương phẩm trong nước vì giá thịt heo nhập khẩu đang thấp hơn, đồng thời nếu giá thịt heo quá cao người tiêu dùng sẽ chuyển sang các nguồn protein khác.

Dù vậy, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo thị trường thịt heo thời gian tới vẫn sẽ diễn biến có lợi đối với người chăn nuôi do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ Tết tăng.