Trung Quốc đâm vỡ tàu kiểm ngư Việt Nam, Âu-Mỹ lên tiếng
Vừa hung hăng vừa ăn cướp
Mặc dù đã chạy với tốc độ 20 hải lý/giờ với công suất mở 3 máy nhưng tàu cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 2013 vẫn bị hai con tàu hung hăng của Trung Quốc lao vào.
Hậu quả tàu 2013 bị tông gãy lan can ở mạn phải, móp 1 phần con lươn, dài khoảng 1,5 mét, gãy một số ống thông gió, thông hơi trên tàu.
Trước đó vào tối 17/5, khi tàu cảnh sát biển 4033 của Việt Nam vào đội hình của các tàu kiểm ngư, cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 10 hải lý về phía đông nam thì tàu Trung Quốc liên tục hoạt động và chiếu đèn công suất lớn vào tàu 4033 để dò xét.
Tàu Trung Quốc có rất nhiều loại tại vùng biển này, đặc biệt là tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc xếp thành đội hình vòng cung bao quanh giàn khoan. Theo quan sát bằng mắt thường thì tàu cá Trung Quốc to bằng tàu kiểm ngư Việt Nam.
Ngoài ra những tàu gỗ của ngư dân Trung Quốc hành nghề câu mực cũng rất to, đánh bắt xen kẽ trong đội hình của tàu hải cảnh Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.
Nghị sĩ Mỹ hiểu tâm nguyện hòa bình của người Việt
Trước tình hình Trung Quốc liên tiếp có những hành động hung hăng, gây căng thẳng và bất ổn tại Biển Đông, Hạ nghị sỹ Quốc hội Mỹ Jason Chaffetz ngày 16/5 đã ra tuyên bố báo chí về việc Trung Quốc gây ra tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Đông, đồng thời cho rằng, cũng như các dân tộc khác trên thế giới, nhân dân Việt Nam có ước nguyện chung sống hòa bình cùng thịnh vượng với sự tôn trọng của các nước láng giềng.
Tuyên bố của Hạ nghị sỹ Jason Chaffetz khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) thuộc sở hữu của nhà nước trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa là rất đáng quan ngại.
Tuyên bố của Hạ nghị sỹ Jason Chaffetz viết rằng vụ việc xảy ra trên đây là mới nhất trong "một loạt các hành động của Bắc Kinh đã gây ra cảm giác bất an ngày càng tăng trong khu vực.
Ông Chaffetz nhấn mạnh: "Từ các chuyến thăm gần đây tới khu vực này, tôi biết rằng người dân Việt Nam có chung ước nguyện căn bản nhất như các dân tộc khác, đó là chung sống hòa bình và thịnh vượng, với sự tôn trọng của các nước láng giềng. Tôi tin rằng nước Mỹ cần giữ vai trò lãnh đạo lịch sử trong khu vực nhằm bảo đảm những nguyện ước phước lành này cho cả người dân Mỹ và người dân châu Á-Thái Bình Dương".
Cũng trong ngày 16/5 này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông.
Nhà Trắng tuyên bố quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) của Trung Quốc tại Biển Đông là hành động khiêu khích và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/5 mô tả quyết định của Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam tuyên bố chủ quyền là một hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên tiếp tục gây thêm căng thẳng trong khu vực.
Châu Âu lên tiếng
Tại ủy ban đối ngoại Hạ viện Italy, Hạ nghị sĩ Enzo Amendola, lãnh tụ Phe đa số thuộc đảng Dân chủ cầm quyền, hôm 16/5 nhấn mạnh mọi hành động đơn phương của Trung Quốc sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh tại Biển Đông, một trong những trung tâm phát triển kinh tế thế giới.
Để giải quyết những căng thẳng ở khu vực này, các bên liên quan cần nhanh chóng tìm ra giải pháp hòa bình và hợp tác, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, nhằm tiếp tục bảo đảm tự do hàng hải.
Theo ông, Italy và châu Âu cần bày tỏ quan ngại hơn nữa đối với tình hình hiện tại ở Biển Đông, khi những căng thẳng đang xảy ra có nguy cơ làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, và sẽ tác động đến cả châu Âu.
Tại Pháp, Thượng nghị sĩ Christian Poncelet, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp - Việt, cựu Chủ tịch Thượng viện Pháp, lên án hành động Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Montego Bay thông qua ngày 10/12/1982, việc can thiệp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không có sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp", ông Poncelet nhấn mạnh trong bức thư gửi Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) từng bày tỏ sự lo ngại về những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến việc di chuyển giàn khoan 981 của Trung Quốc. EU khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến này.
Nguồn Thanh Niên, Vietnam+