Chủ Nhật | 29/07/2012 09:12

Trung Quốc cũng bị đe dọa bởi hạn hán Mỹ

Hạn hán tàn phá mùa màng nước Mỹ, khiến Trung Quốc, nước nhập khẩu nông sản Mỹ nhiều nhất thế giới, cũng phải chịu đòn giáng mạnh do giá cả leo thang.
Đợt hạn hán tồi tệ nhất 56 năm qua tại vùng trồng trọt chính của Mỹ đã trở thành tâm điểm lo ngại trong nhiều tuần qua. Giá các loại nông sản ngô, lúa mỳ, đậu tương leo lên kỷ lục. Và Trung Quốc, nước tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới đang chuẩn bị đón nhận một cú sốc mới.

Năm 2011, Trung Quốc trở thành nước nhập nông sản nhiều nhất từ Mỹ, với tổng giá trị 20 tỷ USD, các mặt hàng chính là ngô, đậu tương, bông và da súc vật.

Nhu cầu thịt lợn tăng vọt khiến ngành chăn nuôi gia súc tại Trung Quốc phát triển nhanh và mạnh, hơn một nửa lượng thịt lợn trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia súc từ ngô và đậu tương là rất lớn.

Gần đây xu hướng cho thấy, giá các mặt hàng nông sản vẫn đang leo thang. Giá đậu tương đã bứt phá cả mức kỷ lục hồi khủng hoảng lương thực 2008, leo lên 16,92 USD/giạ. Giá ngô cũng lập kỷ lục mới 7,956 USD/giạ ghi nhận ngày 20/7.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ đồng thời đẩy giá thịt lợn lên cao. Trong khi thịt lợn là mặt hàng có sức tiêu thụ rất lớn và chiếm tỷ trọng lớn trong giỏ hàng hóa đo lường chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc.

Tất cả những điều này thách thức chính quyền Bắc Kinh trong việc điều chỉnh lại nền kinh tế. Nếu giá tăng làm tăng lạm phát, khả năng chính phủ có thể đưa ra kích thích tiền tệ là rất nhỏ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn một vài tia hi vọng giúp Trung Quốc có thể vượt qua thử thách lần này.

Thứ nhất, dù Trung Quốc nhập nhiều nông sản từ Mỹ nhưng nước này đã gần như tự túc các loại  lương thực thiết yếu như gạo và lúa mỳ. Dự báo sản lượng các mặt hàng này sẽ tiếp tục ổn định trong năm tới.

Thứ hai, lạm phát của Trung Quốc vốn đang giảm mạnh, thậm chí có nguy cơ giảm phát. Lĩnh vực bất động sản trì trệ nhiều tháng qua làm lạm phát tháng 6 nước này rơi xuống chỉ còn 2,2%, kém xa so với tỷ lệ lạm phát 6,5% năm ngoái. Ngoài ra, giá thịt lợn hiện vẫn đang thấp hơn 12% so với năm ngoái.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự leo thang của giá nông sản như hiện nay sẽ không ảnh hưởng lớn lên lạm phát của Trung Quốc. Tuy nhiên, nguy cơ không phải là không rình rập, khả năng phục hồi của nền kinh tế nước này còn khá hạn chế khi vừa qua tăng trưởng GDP quý II rơi xuống mức thấp nhất 3 năm ở 7,6%.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện