Trung Quốc có 1.082 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam
Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Trung Quốc hiện đứng thứ 9 trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô các dự án đầu tư trung bình cho mỗi dự án đầu tư của Trung Quốc chưa đến 7,34 triệu USD/dự án – đây là mức thấp so với trung bình của các nhà đầu tư khác tại Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 11/2014 các dự án đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 744 dự án, tổng vốn đăng ký là 4,23 tỷ USD, chiếm 53,3% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, khí nước, điều hòa với tổng số vốn đăng ký là 2,04 tỷ USD chiếm 25,8 % tổng vốn đầu tư.
Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với 99 dự án, tổng số vốn đăng ký là 561,1 triệu USD. Còn lại là các dự án đầu tư trong các lĩnh vực khác.
Vốn đầu tư của Trung Quốc tập trung chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 816 dự án, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 50,4% tổng vốn đăng ký; tiếp theo là hình thức hợp đồng BOT với 3 dự án, tổng vốn đầu tư 2,32 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng vốn đầu tư; hình thức liên doanh đứng thứ 3 với 221 dự án tổng số vốn đăng ký là 1,5 tỷ USD chiếm 19,1% tổng vốn đầu tư.
Hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh có 32 dự án với tổng vốn đầu tư 58,6 triệu USD, chiếm 0,7% tổng vốn đầu tư; 10 dự án còn lại là công ty cổ phần.
Trung Quốc hiện đã có đầu tư tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung vào các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi.
Bình Thuận là địa phương đứng đầu về vốn đầu tư, Trung Quốc chỉ đầu tư 5 dự án nhưng tổng số vốn là 2,02 tỷ USD chiếm 0,4% số dự án, nhưng chiếm đến 25,5% vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 2 là tỉnh Lào Cai có số vốn đầu tư là 803,1 triệu USD chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư; Tây Ninh đứng thứ hai với 27 dự án và tổng vốn đăng ký trên 727 triệu USD, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư; Quảng Ninh đứng thứ 4 với vốn đầu tư đăng ký là 473 triệu USD chiếm 6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội và các địa phương khác.
Đối với các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng.
Dự án tiêu biểu của Trung Quốc tại Việt Nam là dự án Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư 2,01 tỷ USD, mục tiêu của dự án là xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than tại Vĩnh Tân; Dự án Công ty TNHH lốp xe Việt Luân với tổng vốn đầu tư 400 triệu USD tại Khu công nghiệp Tây Ninh.
Dự án Công ty TNHH Tân Cao Thâm tại Lào Cai với tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD. Với mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy chế biến cao su thiên nhiên thành cao su tổng hợp. Và dự án Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt-Trung tại Lào Cai với tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD. Mục tiêu của dự án là khai thác mỏ sắt Quý Sá và sx thép.
Trong khi đó, tính đến nay Việt Nam mới có 13 dự án đầu tư sang Trung Quốc với tổng vốn đăng ký là 15,93 triệu USD chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Đáng kể nhất là 2 dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm cân đồng hồ lò xo của công ty TNHH Thương mại Nhơn Hòa (vốn đăng ký 6 triệu USD). Dự án xây dựng khu thương mại của công ty CP XNK Việt Trang (vốn đăng ký 3 triệu USD).
Nguồn DVO