Thứ Tư | 14/05/2014 22:30

Trung Quốc chưa có dấu hiệu rút giàn khoan

Đến ngày hôm nay, hoạt động của Trung Quốc rất quyết liệt, chưa có dấu hiệu cho thấy họ rút giàn khoan.
Tại buổi giao lưu với độc giả báo Tuổi Trẻ sáng nay, 14/5, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, cho đến hôm nay, diễn biến vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vẫn rất căng thẳng, hoạt động của Trung Quốc cũng rất quyết liệt chưa có dấu hiệu cho thấy họ rút giàn khoan.

Họ đã phớt lờ dư luận quốc tế, đấu tranh pháp lý, cũng như trên thực địa của ta. Đây là điều đáng tiếc! Chúng ta muốn Trung Quốc hiểu việc làm của chúng ta là pháp lý và đạo lý tôn trọng truyền thống hữu nghị Việt - Trung và sự ổn định trên biển.


Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm. Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, từ những ngày đầu chúng ta phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 (HaiYang Shiyou) của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển Việt Nam, Trung Quốc luôn tổ chức số lượng lớn tàu và máy bay để bảo vệ hoạt động của giàn khoan. Hàng ngày có từ 70 đến hơn 80 chiếc gồm 06 lực lượng khác nhau (tàu Hải Quân, Hải Cảnh,Vận tải, tàu cá, dịch vụ dầu khí, máy bay).

Hoạt động các lực lượng của Trung Quốc trên biển được tổ chức rất chặt chẽ để bảo vệ hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981. Họ tổ chức thành từng lớp để bảo vệ và phân công một số tàu luôn áp sát các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và họ cũng sẵn sàng ngăn cản, đâm va, dùng vòi nước có áp suất lớn phun vào các tàu CSB, Kiểm ngư...

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cũng cho rằng, đấu tranh là cả vấn đề về lý luận và thực tiễn và có tính nghệ thuật cao. Việc sử dụng lực lượng, phương tiện cũng là vấn đề có tính nghệ thuật.

Tôi đề nghị chúng ta tin tưởng vào những biện pháp mà chúng ta đã và đang làm, bình tĩnh và linh hoạt. Nhân dân đồng hành cùng chính phủ thì sức mạnh của dân tộc được nhân lên rất nhiều.

Thái độ của chúng ta quyết liệt, thì biện pháp bảo vệ của chúng ta cũng có tính tổng hợp cao. Hoạt động của CSB Việt Nam là kiên quyết giữ trận địa trên biển, chúng ta không chủ động va chạm, nhưng họ đã chủ động va chạm với tàu CSB, Kiểm ngư rất nhiều.

Hiện nay CSB vẫn cố gắng tránh va chạm, kiên trì bằng biện pháp pháp luật, chuẩn bị tinh thần và tư tưởng, công tác bảo đảm hậu cần và kỹ thuật để lực lượng cảnh sát biển tác nghiệp dài ngày trên biển nhằm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền vùng biển của chúng ta.

Trước việc phía Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay tiêm kích ra để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm khẳng định, đây là điều thông lệ và tập quán quốc tế không thể chấp nhận.

Với hoạt động của Trung Quốc rất quyết liệt như vậy thì những khó khăn, nguy hiểm đối với lực lượng cảnh sát biển, Kiểm ngư đang tác nghiệp ở đây là hoàn toàn có thể.

Chúng ta không thể vi phạm luật pháp quốc tế là đưa tàu quân sự để ra giải quyết những vụ việc như thế này, như Trung Quốc đã vi phạm.

Trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển của mình các lực lượng, trong đó có lực lượng CSB đang hoạt động với quyết tâm và nỗ lực rất cao. Đây là trách nhiệm của chúng tôi trước Đảng, trước Dân tộc.

Với vùng biển rộng hàng triệu km2, đây là những khó khăn khi chúng ta phải kịp thời phát hiện vi phạm, nhất là trong điều kiện thời tiết, khí tượng phức tạp. Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến đầu tư trang bị để các lực lượng, trong đó có lực lượng CSB để chủ động phát hiện những vi phạm.

Giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt cách bờ biển ta 120 hải lý là không bất ngờ đối với chúng ta. Như vậy với những vụ việc tương tự chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phát hiện.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, vi phạm pháp luật trên biển có nhiều loại hình, hành vi vi phạm ở nhiều lĩnh vực: chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, an toàn...

Theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bằng thẩm quyền của mình, lực lượng CSB có quyền xử phạt hành chính, khởi tố hoặc tiến hành một số biện pháp cưỡng chế, khắc phục hậu quả để ngăn chặn và chấm dứt vi phạm đó.

Đối với vi phạm đang diễn ra của giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm nghiêm trọng đối với luật pháp Việt Nam và quy định của luật pháp quốc tế.

Vi phạm của Trung Quốc là cố tình. Lực lượng CSB vẫn đang thực hiện thẩm quyền của mình. Biện pháp thực thi của CSB cũng quyết liệt và phù hợp.

Chắc chắn, là một quốc gia lớn, là ủy viên thường trực HĐBA Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc thừa hiểu những việc làm của họ là sai phạm, vi phạm Công ước Luật biển 1982. Nhưng họ đang phớt lờ...

Hiện nay Trung Quốc đang sử dụng tàu chiến, máy bay quân sự. Ở khu vực này, chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN, nhưng trước mắt, yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu chiến ra khỏi khu vực và không sử dụng máy bay quân sự mà họ đã và đang làm.

Chúng ta đang đấu tranh pháp lý và đấu tranh trên thực địa. Thái độ của chúng ta là chủ động và tích cực, kiên quyết. Dân tộc ta có truyền thống tạo sức mạnh tổng hợp kể cả lúc khó khăn nhất.

Lực lượng CSB sẽ chuẩn bị tinh thần và ý chí để đấu tranh dài ngày với tư tưởng tiến công và biện pháp linh hoạt đó chính là thái độ "không khoan nhượng" của chúng ta.

Nói về việc Trung Quốc liên tục rêu rao tung tin bịa đặt ta khiêu khích tàu của ta, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cho rằng, để cho thế giới hiểu, chia sẻ và không còn cách nào khác là chúng ta phải tôn trọng sự thật và phải nói đúng sự thật.


Do tác động của vòi phun nước, có 8 kiểm ngư viên bị thương nhẹ, nhưng cả 8 người này hiện nay tình hình sức khỏe đã ổn định vẫn đang thực hiện nhiệm vụ trên các tàu kiểm ngư.

Cũng theo Thiếu tướng Đạm, trên biển chúng ta hết sức bình tĩnh, đối phó rất ôn hòa. Đối với nhân dân trong nước, tôi đề nghị chúng ta bình tĩnh, linh hoạt, đồng hành cùng Chính phủ, sẽ tạo nên ý chí và mạnh tổng hợp sức của dân tộc.

Tình hình căng thẳng và phức tạp. Lúc này chúng ta cần bình tĩnh kiên trì, đấu tranh về pháp lý.

Trước hết, yêu cầu Trung Quốc rút các tàu chiến, máy bay ra khỏi khu vực không tham gia vào các hoạt động vi phạm dân sự đang diễn ra ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nguồn Tiền Phong


Sự kiện